Người cựu chiến binh và lời hứa còn canh cánh

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, người đại đội trưởng đại đội 2 tiểu đoàn 24 sư đoàn 5 Phòng không Không quân chiến đấu khắp chiến trường miền Đông, Tây Nam Bộ năm nào nay đã gần tuổi 75. Cuộc sống đời thường cơm, áo, gạo, tiền vẫn không làm ông nguôi ngoai về ký ức chiến tranh và những người đồng đội cùng ông vào sinh ra tử.


Trận đánh nhớ đời


Lần theo địa chỉ 71 đường Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu, tôi đến nhà ông Dương Đức Duy - người đại đội trưởng đại đội 2 tiểu đoàn 24 sư đoàn 5 Phòng không Không quân năm nào đã cùng bao đồng đội chiến đấu anh dũng khắp chiến trường miền Đông, Tây Nam Bộ, để rồi sau ngày đất nước thống nhất, trở về cuộc sống đời thường mang theo trên người bao thương tích chiến tranh. Ông Duy đang cho con gái tật nguyền của mình uống từng thìa cháo loãng.

 

Cựu binh Dương Đức Duy và con gái tật nguyền.


Thấy có khách, ông ngừng tay ra mở cổng đon đả mời tôi vào nhà. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Kim Vòng đẩy con gái trên chiếc xe lăn mòn rách vào trong, nhìn con gái bà chợt bật khóc, còn ông Duy nghèn nghẹn nước mắt rưng tròng. “Đứa con gái tật nguyền này là kết quả của những năm tháng nếm mật nằm gai ròng rã trong rừng sâu và uống nước suối rừng”. Mời tôi ly nước trà xanh đằm đặm, ông bắt đầu kể về trận chiến đấu cuối cùng trong đời lính của ông.


Sáng 7/4/1975, đại đội 2 tiểu đoàn 24 sư đoàn 5 Phòng không Không quân được giao nhiệm vụ phục kích, tập kích, ghìm chân 3 sư đoàn 7, 9, 21 của địch, chặn đường không cho chúng hành quân lên Sài Gòn chi viện lực lượng.


Đêm 7/4/1975, đại đội trưởng Dương Đức Duy chỉ huy bộ đội vượt sông Vàm Cỏ bằng thuyền của dân, hành quân khẩn trương chiếm lĩnh trận địa. Sông Vàm Cỏ không rộng, nhưng đại đội phải vượt hơn 6 giờ đồng hồ mới sang bờ bên kia, vừa bơi vừa giữ bí mật và tránh bom đạn địch. Vào vị trí bí mật, Duy nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các trung đội và triển khai đào hầm hào công sự, sẵn sàng chiến đấu ngay trên cánh đồng lúa đã gặt của dân.


Đúng như dự đoán, sớm ngày 8/4/1975, một đoàn xe tăng và bộ binh địch gầm rú như xé nát bầu trời ùn ùn tiến từ đầu cầu Tân An đến Cầu Voi, vừa đi chúng vừa bắn pháo dẹp đường. Chúng không hề biết ở địa hình trống trải, dưới đống rạ khô 2 bên đường quốc lộ 4 là những ụ súng cao xạ, những tiểu đội B40, 41, trung đội DKZ của ta đang ẩn nấp bên dưới. Chờ cho chúng “lọt lõng”, đại đội trưởng Duy hô: “Nổ súng tiêu diệt địch”. Hàng chục ụ súng máy cao xạ 12,7 ly, đại liên, cối 82B10, cối 60, ĐKZ, súng chống tăng B41 bắn xối xả vào 3 xe tăng và toàn bộ đội hình địch. Bị bất ngờ, địch rút chạy ngược lại về cầu Tân An rồi gọi máy bay đánh phá vào đội hình chiến đấu của ta.

Trước tình hình ấy, Duy đã chỉ huy các tiểu đội súng cao xạ tiêu diệt máy bay trong tầm bắn hiệu quả, phát huy tác dụng bắn thẳng, các khẩu đội 82B10, B40, B41 tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép địch. Quân ta bắn ráo riết, chúng lại rút chạy về Tân An và chờ thời cơ tấn công đợt mới, ta lại phục kích, tập kích bất ngờ không cho chúng tiến lên. Cứ như thế, đại đội 2 của Duy phối hợp với Trung đoàn bộ binh 5 chiến đấu giằng co với địch suốt 22 ngày đêm.


10 giờ ngày 30/4/1975, bỗng hàng loạt máy bay địch lượn trên đầu nhưng không bắn phá vào trận địa. Duy mở radio nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh, kêu gọi: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hòa. Tôi Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam cộng hòa, kêu gọi tất cả binh lính sĩ quan cộng hòa ở đâu cố gắng giữ ở đó, tránh đụng độ với bộ đội giải phóng, để chính phủ Việt Nam cộng hòa liên hệ với chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đi đến hòa bình, tránh đổ máu”.

Chưa đầy 3 phút sau, tất cả binh lính Mỹ ngụy xung quanh đó đứng ào dậy như rừng người, hô lớn: “Các anh bộ đội giải phóng ơi, chúng tôi đầu hàng rồi, đừng bắn chúng tôi nữa”. Duy dùng súng AK bắn một loạt chỉ thiên và hô: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hòa. Theo chính sách của chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, các anh đã đầu hàng rồi. Hãy bỏ vũ khí tại chỗ và về sum họp với gia đình”. Nghe thế, tất cả lính ngụy cởi bỏ áo dài, giầy, mũ, vũ khí tại chỗ và hô to “hoan hô, hoan hô”. Sau đó chúng tràn ra quốc lộ 4 leo lên xe tải và hành quân về Sài Gòn. Duy chỉ huy đại đội về Long An tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.


Chưa trọn lời thề với người đã khuất


Trong niềm vui ngày giải phóng, đường quốc lộ 4 Tân An - Cầu Voi, thị trấn Long An rực rỡ cờ hoa. “Đi giữa hàng quân trong lòng nhân dân ngày đại thắng mà lòng rạng rỡ niềm vui, chúng tôi reo hò trước sự đón chào nồng nhiệt của bà con Long An. Tuy nhiên trận chiến đấu ấy có đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đại đội tôi có chiến sĩ Nguyễn Văn Hiến bị mảnh bom vào đầu. Trước khi ra đi, anh gọi tôi đến và nói rằng: “Em biết một vài tiếng nữa là em chết. Nếu sau này anh còn sống trở về quê, anh về quê em nói với cha mẹ em là em chết ngày hôm nay”. Ông Duy nghẹn ngào lật từng trang nhật ký cho tôi xem. Trong ấy ghi đầy đủ từng trận chiến đấu và tên đồng đội của ông đã hy sinh.


Sau những năm tháng trên chiến trường đánh Mỹ, đại đội trưởng Dương Đức Duy về Xuyên Mộc xây dựng vùng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng. Tại nơi này, ông đã phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam điôxin. Đứa con gái đầu lòng của ông là Dương Thị Thu Hương cũng mang theo dòng máu bố. Biến đau thương thành hành động, ông lao vào công việc. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Bí thư chi bộ, Phường đội trưởng, Chủ tịch UBND phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu, ở đâu ông cũng phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.

Ông làm những việc mà nhiều kẻ gọi là “càn, gở, dở hơi” như đấu tranh chống tham nhũng, lên án những người có hành động và suy nghĩ sai trái, hách dịch, cửa quyền, hạch sánh nhân dân. Dẫu việc làm ấy không ít nhọc nhằn và phiền muộn. Nhưng với lương tâm trách nhiệm của người đảng viên và bản chất người lính, ông không thể làm ngơ khi bà con dân lành bị chèn ép, chà đạp, ức hiếp. Ông bảo: “Thời chiến trận mình đánh giặc Mỹ trên chiến trường, hòa bình mình đánh giặc tham nhũng ngay trong lòng nhân dân. Làm gì có ích cho dân, có lợi cho nước thì đó là niềm vui. Lớp già chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước, dạy bảo con cháu đạo lý làm người, đó là bổn phận”.


Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã lùi xa 38 năm, đồng đội của ông Duy người còn người mất. Có một niềm đau luôn đau đáu trong tim ông, đó là về Hải Hưng (nay là Hưng Yên) để báo tin cho cha mẹ Hiến - người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Dẫu biết thời gian đã quá muộn màng, nhưng đó là lời thề ông chưa làm được. Phần vì ông bị nhiễm chất độc điôxin và vết thương cũ luôn hành hạ, phần vì phải lo cơm áo gạo tiền và túc trực bên con gái tật nguyền mang dòng máu bố. Ông bảo: “Nguyện vọng của tôi những ngày cuối của cuộc đời là về Hưng Yên, dù chỉ một lần để giữ trọn niềm tin với người đã khuất. Được đến quốc lộ 4 Tân An, Cầu Voi - đánh trận cuối cùng. Nơi ấy bao đồng đội thân yêu của tôi nằm xuống, đó là lời thề mà 38 năm qua tôi chưa thực hiện được”...


Bài và ảnh: Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN