Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thời đại của Internet và điện thoại di động đã hình thành cái gọi là “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” trong giới trẻ.
Sự biến tướng của loại “ngôn ngữ” này đã làm méo mó sự trong sáng của tiếng Việt. Khi nhận được tin nhắn của cháu gái 14 tuổi, ban đầu tôi cứ ngỡ là tiếng Anh. Làm sao tôi có thể đọc được khi cháu viết: “2! hoc han nan ne wa co ui. hom wa kon lai bi me la. kon k bit lam ji de het bun day”, (tạm dịch là: Chào cô. Học hành nặng nề quá cô ơi. Hôm qua con lại bị mẹ la. Con không biết làm gì để hết buồn đây). Có nhiều tin nhắn tôi phải nhờ con gái dịch mới hiểu. Khi thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, nó cười và bảo: “Ngôn ngữ teen là vậy, mẹ ơi!”.
Cùng con gái vào mạng Internet, tôi thật sự rối mắt với một ngôn ngữ không có trong từ điển. Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Chẳng hạn “2” có nghĩa là “xin chào”, “yêu” thì được viết thành “iu”, “buồn” hay “muốn” đều được bỏ chữ “ô”, chữ “nh” thì giản lược bớt một chữ “h”, “i” thì viết thành “j”. Việc chấm, phẩy hay viết hoa đầu câu cũng không cần thiết...
Nhiều bạn trẻ cho rằng, viết, nhắn tin kiểu này nhanh, gọn, phù hợp với lối sống thời @. Một số em còn thấy mình “lạc hậu” nếu không dùng theo lối “chat” của bạn bè. Từ ngữ nào đạt được mục đích nói nhanh, viết gọn và lạ là được các em ưa chuộng. Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu “ngôn ngữ chat” đã lan trong giới trẻ và cộng đồng dân cư mạng.
Nếu làm một cuộc điều tra từ mạng điện thoại, diễn đàn trên mạng của giới trẻ thì hẳn chúng ta sẽ thấy tiếng Việt đang bị bóp méo, trở nên dị dạng đến nỗi chính người Việt cũng không nhận ra. Đó là chưa kể việc chêm tiếng nước ngoài vô tội vạ trong cách nói và viết khiến tiếng Việt như món “lẩu thập cẩm” khó nuốt. Mà đâu chỉ có giới trẻ, các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài từ địa phương đến Trung ương gần đây xuất hiện nhan nhản các ngôn ngữ “quái dị” ấy.
Không đâu xa, tờ báo Hoa học trò, một ấn phẩm có sức hút với các cô cậu học sinh trên cả nước lại luôn dẫn đầu về việc lạm dụng tiếng Anh một cách vô tội vạ, tiêu đề bài viết dùng chữ teen như: Teen Hà Nội sắp phải đi học sớm; Chuyện phiêu lưu của các “Kịch gia teen”; Bảo tàng ơi, hãy “teen hóa”; Teen lên sân tập “swing”; Những bà mẹ tuổi teen; Bắc Giang: Sập lan can trường, 7 teen gặp nạn; Quảng Bình: Teen lớp 8 đâm bị thương 2 bạn… Chỉ mới dừng ở tiêu đề bài viết, người đọc đã phát hoảng vì cái sự loạn “teen” và nghèo nàn tiếng Việt của tờ báo. Việc “sính” tiếng nước ngoài như là căn bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn và cuộc sống đời thường.
Sử dụng “ngôn ngữ chat” ở đâu, lúc nào cho phù hợp là điều giới trẻ cần suy nghĩ. Các em không ý thức được điều đó, quên đi bài giảng về sự trong sáng của tiếng Việt mà mình đã được học. Cứ theo đà này, thật khó để tìm được những ngôn từ đẹp, lời văn hay. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này.
Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như “biết chết liền”, “hên xui” đã trở nên phổ biến và nhiều em nộp hồ sơ xin việc với lá đơn đầy lỗi chính tả hay không ít cán bộ trẻ vẫn không biết soạn thảo văn bản. Dù cách nói, cách viết của các em có mới, lạ, ngồ ngộ đi nữa thì cũng phải hướng đến mục đích cuối cùng là để người nghe, người đọc hiểu chứ không phải là để người nghe, người đọc đoán và... cảm thấy choáng váng.
Trước sự thâm nhập của loại ngôn ngữ “nửa ta, nửa tây” ấy, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã nỗ lực phát động phong trào “Nói không với ngôn ngữ chat”. Tuy nhiên, phong trào thực chất chỉ là hình thức nếu dừng lại trong phạm vi trường học. Ngôn ngữ chat đã thật sự lan rộng và trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay.
Lê Thị Thúy Mong