Từ ngày 15/5 (ngày bắt đầu thực hiện tổng kiểm soát) đến ngày 26/5, toàn tỉnh xử lý 1.109 phương tiện vi phạm, trong đó có 26 xe ô tô khách, 322 ô tô tải, 38 ô tô con, 711 xe máy và 2 xe container; tước quyền sử dụng 135 giấy phép lái xe; tạm giữ 101 phương tiện.
Các vi phạm chủ yếu là chở hàng quá khổ, quá tải; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xóa; vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, tốc độ, tránh, vượt… Đáng chú ý, lỗi vi phạm không mang theo đủ 3 loại giấy tờ chiếm khá phổ biến, trong đó có 93 trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xóa, chiếm 8,3%; 190 trường hợp không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, chiếm 17%.
Trong số khoảng 30 trường hợp được lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra trên tuyến quốc lộ 37 vào chiều tối 26/5, có đến cả chục trường hợp không mang theo giấy tờ xe. Lý giải nguyên nhân, phần lớn người vi phạm đều giải thích do nhà ở gần, chỉ đi 1-2km nên chủ quan, không mang theo, hoặc do quên. Nhiều người phải cầu viện người nhà mang giấy tờ đến chốt kiểm soát.
Theo Đại úy Hà Quang Đàm, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ sẽ bị tạm giữ phương tiện và bị xử lý về hành vi không có giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm. Việc mang theo đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông sẽ giúp lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát được các trường hợp không đủ điều kiện điều khiển phương tiện hoặc sử dụng xe không đúng chủ sở hữu, xe ăn cắp…
Trong khi theo số liệu tổng hợp chung toàn quốc của Cục Cảnh sát giao thông, tỷ lệ bình quân vi phạm quy định về nồng độ cồn chiếm khá cao trong tổng số các lỗi vi phạm, thì tại Tuyên Quang, thời gian qua chỉ phát hiện 36 trường hợp vi phạm, chiếm 3,2%.
Tại quốc lộ 279 đoạn qua huyện Na Hang, ngày 27/5, lực lượng Cảnh sát giao thông dừng hơn chục phương tiện, kết hợp kiểm tra giấy tờ xe và nồng độ cồn, song không phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn. Ông Nguyễn Văn Hiển (huyện Chiêm Hóa) cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 100 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), người dân ít sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông, hoặc nếu có sử dụng cũng không tự điều khiển phương tiện, việc này bảo đảm an toàn cho chính người tham gia giao thông. Uống rượu là một nét văn hóa của bà con dân tộc, đặc biệt là trong các dịp hội hè, nhưng vừa qua, do tình hình dịch COVID-19, các lễ hội, đám cưới hạn chế hơn nên tình trạng uống rượu bia - điều khiển phương tiện cũng giảm đáng kể.
Thượng tá Ma Văn Tòng, Phó trưởng Công an huyện Na Hang cho biết, theo phong tục tập quán địa phương, trước đây, bà con hay uống rượu ở những phiên chợ, nhưng từ khi có Nghị định 100, ý thức chấp hành của người dân được nâng lên, ít khi tập trung túm năm, tụm ba uống rượu.
“Người dân có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị định 100, vì mức xử phạt với lỗi vi phạm nồng độ cồn rất cao. Hiện Công an huyện Na Hang đang tạm giữ hơn 10 phương tiện vi phạm nồng độ cồn từ sau Tết nhưng chủ phương tiện không đến nộp phạt vì tiền phạt và tiền xe gần như ngang nhau, hầu hết người dân không chấp hành, họ bỏ xe”, Thượng tá Ma Văn Tòng cho hay.