Ngày tàn của phiến quân Syria sắp điểm?

Trong những tháng gần đây, với lợi thế mà quân đội Syria giành được trên chiến trường, mặt trận chính trị và quân sự của phe đối lập do nước ngoài hậu thuẫn đang bị vỡ từng mảng lớn. Thậm chí một số nhà quan sát cho rằng, lực lượng phiến quân tại Syria đang trong những ngày “hấp hối”.

Phiến quân Syria.

Trước đó, phe đối lập với sự ủng hộ về tài chính, chính trị và quân sự của các chính phủ nước ngoài đã không thể thuyết phục được những người ủng hộ mình về một hành động can thiệp quân sự chống lại chính phủ Syria. Hiện nay, nhiều người ủng hộ phiến quân ở Syria đã thừa nhận rằng các nhóm vũ trang tại đây đang bị đánh quỵ. Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Israel Yuval Steinitz cũng khẳng định lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad đang giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại đất nước Trung Đông này.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong chuyến thăm tới Jordan gần đây, cũng nhận xét Syria đang trải qua những thay đổi nghiêm trọng mà không có lợi cho phe đối lập.


Vào mùa thu năm 2012, lực lượng đối lập đã kiểm soát 1/2 lãnh thổ Syria nhờ vào nguồn viện trợ quân sự từ nước ngoài. Nhưng kể từ tháng 1/2013, quân đội Syria đã dần lấy lại quyền kiểm soát hầu hết các khu vực chiến lược từ tay phiến quân.


Tháng 6/2013, phương tiện truyền thông Lebanon và Syria thậm chí đưa tin một số tay súng thuộc tổ chức Quân đội Syria Tự do (FSA) đã đầu hàng quân chính phủ Syria. Tờ Daily Telegraph của Anh cho biết, phiến quân trốn sang các khu vực do quân chính phủ kiểm soát cho an toàn hơn. Syria đã thành lập một cơ quan hòa giải quốc gia để tiếp quản những tay súng sẵn sàng đầu hàng và cho đến nay, đã có hơn 200 người trong số này đã chuyển sang chiến đấu cho quân đội Syria.


Sự thất bại của các nhóm phiến quân Syria bắt nguồn từ thực tế là các nhóm đối lập không thống nhất. Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn tại tạp chí quốc phòng IHS Jane được tiến hành vào tháng 9 vừa qua, có tổng cộng khoảng 100.000 tay súng trong số 1.000 nhóm phiến quân đang chiến đấu chống chính phủ Syria. Nghiên cứu này dựa trên cơ sở nguồn tin tình báo và phỏng vấn trực tiếp các tay súng đang tham chiến tại Syria và rút ra kết luận rằng, hầu hết các nhóm vũ trang đều là có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo cực đoan hoặc khủng bố như al-Qaeda.


Mới đây nhất, nhật báo Haberturk đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất 1.100 công dân châu Âu đến nước này để gia nhập các nhóm có quan hệ với al-Qaeda đang tham chiến tại Syria. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 1.500 công dân châu Âu muốn đến Syria và tham chiến cùng al-Qaeda ở tiền tuyến.


Điểm đáng chú ý là những nhóm phiến quân tại Syria này không thể thống nhất vì đều đang chiến đấu cho những lợi ích riêng của mình. Thậm chí còn có những phiến quân quay sang chỉ trích cả những quốc gia đang tài trợ cho họ.


Trong khi đó, Mỹ khẳng định mối đe dọa khủng bố đối với nước này đang gia tăng và người Mỹ không còn an toàn như 1-2 năm trước đó. Những nhóm khủng bố từng hoạt động độc lập nhưng nay đã gia nhập al-Qaeda. Theo giới chức Mỹ, những kẻ khủng bố đang chấp nhận chủ trương “thực hiện những vụ nhỏ hơn cũng được” và vẫn có thể đạt được mục tiêu của chúng.


Với tất cả những yếu tố trên, đặc biệt là ưu thế áp đảo trên chiến trường của quân đội Syria, sự thiếu đoàn kết và mất lòng tin lẫn nhau giữa các nhóm vũ trang tại đây, sự khác biệt về lợi ích giữa những quốc gia phương Tây ủng hộ lực lượng đối lập và sự nghi ngờ của công chúng về bản chất của các phiến quân, người ta có thể dự đoán rằng ngày tàn của phiến quân Syria đang tới gần. Trong những trường hợp như vậy, giải pháp tốt nhất là chính phủ các nước ủng hộ phe đối lập không có lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận thất bại và ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính, chính trị và quân sự cho các nhóm phiến quân tại Syria.

 

C.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN