Chưa có tiền lệ, lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lập đề án thi tuyển người đứng đầu cơ quan cấp Tổng cục vào tháng 4 tới.
Tiêu chí rõ ràng
Bộ GTVT ngày 20/2/2014 đã có thông báo về việc thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo Quyết định số 4099/QĐ - BGTVT (ngày 12/12/2013) và Quyết định số 102/QĐ - BGTVT (ngày 10/1/2014) của Bộ trưởng Bộ GTVT. Thông báo này đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ GTVT: http://www.mt.gov.vn/.
Theo đó, đối tượng tham gia dự thi vào chức danh này là các Vụ trưởng thuộc Bộ GTVT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ GTVT, Hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc các Sở GTVT. Các ứng viên là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có nhận xét, đánh giá trong thời hạn 3 năm liên tục trước đó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; bảo đảm tuổi khi bổ nhiệm không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.
Bên cạnh đó, các ứng viên phải có quá trình công tác trong lĩnh vực GTVT ít nhất 10 năm; đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên... Đặc biệt, về năng lực lãnh đạo, quản lý, các ứng viên phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; có năng lực nắm bắt, dự báo tình hình, định ra được mục tiêu, chương trình dài hạn, ngắn hạn của đơn vị và biết tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Ngoài các tiêu chuẩn chung đã quy định về đối tượng dự thi trong Đề án Thí điểm thi tuyển không còn bất cứ quy định nào khác dành cho các ứng viên và không có bất cứ hạn chế "ngầm" nào đối với bất kỳ ứng viên đạt đủ các tiêu chuẩn. Ban giám khảo gồm 15 người do một Thứ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ GTVT không tham gia Ban giám khảo. Thành viên Ban giám khảo phải đảm bảo “không có vợ hoặc chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc của chồng là người dự thi”.
Theo thông báo của Bộ GTVT, ứng viên dự thi phải thi viết và bảo vệ chương trình hành động. Trong 240 phút tại phòng thi, ứng viên dự thi phải viết chương trình hành động phát triển trong 10 năm theo hình thức tự luận, trên giấy thi theo quy định và không được phép sử dụng điện thoại, tài liệu dưới mọi hình thức trong quá trình làm bài. Bài viết được chấm theo thang điểm 100. Các ủy viên Ban giám khảo sẽ chấm độc lập, ghi điểm riêng vào các phiếu chấm cá nhân. Điểm bài viết là điểm trung bình cộng của các ủy viên. Người dự thi sẽ lần lượt thuyết trình bảo vệ chương trình hành động của mình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Thời lượng thuyết trình không quá 45 phút. Các ủy viên Ban giám khảo đặt câu hỏi và người dự thi trả lời không quá 60 phút/người. Bộ GTVT nhận hồ sơ đăng kí dự thi từ ngày 10/3/2014 đến hết ngày 14/3/2014.
Sau khi Ban Giám khảo chấm thi xong, kết quả điểm thi tuyển sẽ được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT. Người trúng tuyển là người có kết quả thi cao nhất. Căn cứ vào kết quả thi tuyển được thông báo công khai này, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ ký quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thách thức không nhỏ
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm: Việc thi tuyển lãnh đạo cao nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là một cách thực hiện dân chủ trong công tác lãnh đạo. Điều này sẽ tạo bước đột phá từ khâu phát hiện đến bổ nhiệm cán bộ, nhằm lựa chọn được người có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngành đường bộ đang có rất nhiều vấn đề bức thiết cần phải giải quyết như đầu tư, bảo trì hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý vận tải, đảm bảo an toàn giao thông... Do đó, việc thi tuyển để chọn ra cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm đưa ngành đường bộ hoàn thành nhiệm vụ chính trị là một cách làm tốt và khả thi.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành của Bộ GTVT, chuyên trách quản lý toàn bộ các vấn đề về giao thông vận tải đường bộ trên phạm vi cả nước, với các lĩnh vực quản lý hết sức nhạy cảm, vừa trải rộng toàn quốc, vừa sát sườn với đời sống xã hội. Chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã từng được các Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm nhiệm hoặc bổ nhiệm từ các Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam...
Trên thực tế, quá trình hoạt động của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thời kỳ phát triển mạnh mẽ, có thời kỳ trầm lắng, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Đội ngũ lãnh đạo Tổng cục có 3/4 đồng chí sẽ lần lượt nghỉ hưu trong hai năm tới, trong đó quyền Tổng cục trưởng Nguyễn Đức Thắng sẽ nghỉ hưu vào cuối năm 2014. Vì vậy, việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo kế cận là yêu cầu cần thiết, đặc biệt là việc lựa chọn, bổ nhiệm Tổng cục trưởng.
“Hiện hệ thống đường bộ có tới trên 200.000 km, riêng các dự án xây dựng cơ bản đã có tới gần 100 dự án đang triển khai. Chắc chắn, Tổng cục trưởng là một vị trí nhiều thách thức”, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.
Tiến Hiếu