Năm 2015 sẽ có thêm nhiều ngân hàng (NH) lớn của các nước ASEAN và ASEAN +3 góp mặt tại thị trường Việt Nam. Sự gia nhập của các NH nước ngoài sẽ làm cho thị trường tài chính tại Việt Nam thêm sôi động và cạnh tranh khốc liệt.Ngân hàng ngoại gần như nắm trọn khối khách hàng FDI. |
Cuộc “đổ bộ” của các ngân hàng ngoạiMới đây nhất là ngày 23/3, Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia tại Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc việc PBB được nhận toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của PBB.
Như vậy, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam với tự thân là NH liên doanh VID Public, có tỷ lệ góp vốn 50:50 giữa BIDV với PBB, sắp tới đây PBB sẽ trở thành NH 100% vốn nước ngoài thứ 6 hoạt động tại Việt Nam, sau HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam và Hong Leong Bank.
Trước đó đầu tháng 3/2015, NH Kasikorn Thái, một trong những NH hàng đầu của Thái Lan với mạng lưới hoạt động trên toàn châu Á cũng đã khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian xây dựng mạng lưới dịch vụ ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với VietinBank và Agribank. Trước NH Kasikorn Thái tại Việt Nam đã có sự hiện diện của NH liên doanh Việt Thái (Vinasiam Bank) và chi nhánh của NH Bangkok.
Các NH đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện có khoảng 10 văn phòng đại diện của các NH Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam. Với Nhật Bản, ngoài khá nhiều NH đã được cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hàng chục NH từ Nhật đã tham gia các buổi xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Nhiều NH lớn trên thế giới cũng đã sớm có mặt tại Việt Nam thông qua việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện nhiều năm nay như Commonwealth Bank (Australia), ING (Hà Lan), Barclays (Anh), Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản), Deutsche Bank (Đức)... Mới đây, NH Pháp BNP Paribas đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập chi nhánh.
Thị phần màu mỡKhông chỉ thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam, thời gian qua, một số ngân hàng trong khu vực còn muốn mua lại 100% vốn ngân hàng yếu để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Việc Ngân hàng UOB (Singapore) và một ngân hàng của Malaysia từng ngỏ ý mua lại 100% vốn ngân hàng GPBank là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, thương vụ mua lại ngân hàng trên không thành.
Song, theo đánh giá của ông Keith Pogson, phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng của Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này không có nghĩa là các ngân hàng trong khu vực không quan tâm đến thị trường Việt Nam. Bởi với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự hội nhập thương mại tự do trong năm nay, thị trường Việt Nam đang là “mảnh đất” màu mỡ và hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN sẽ cân nhắc khi đầu tư vào NH yếu kém tại Việt Nam. Lý do là cuối năm 2015, AEC được hình thành và có thể đến năm 2020, các NH trong khu vực sẽ được phép thành lập tự do tại Việt Nam. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ xem xét việc có nên mua một NH yếu kém rồi mất ít nhất 3 - 4 năm không có lãi, tốn nhiều công sức để xử lý hay là chờ đợi, bởi thời điểm 2020 không còn xa”, ông Keith Pogson nói.
Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia cho biết, AEC đã hướng tới mục tiêu hội nhập ngành ngân hàng nội khối vào năm 2020, tạo ra một hệ thống ngân hàng mở cho phép các ngân hàng ASEAN được hoạt động một cách bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ thành viên nào trong khối. Vì thế, không chỉ các ngân hàng trong khu vực ASEAN, mà nhiều ngân hàng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu... cũng đang “ném đá dò đường” tìm hiểu thị trường Việt Nam, sẵn sàng đón đầu cơ hội mới từ AEC, TPP...
Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Có thể thấy, khối doanh nghiệp FDI nắm tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng các khách hàng béo bở này gần như nằm trọn trong tay ngân hàng ngoại. Không chỉ có thế, khối ngân hàng ngoại còn nhắm tới cả khối doanh nghiệp trong nước.
Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có hơn 50 văn phòng đại diện của các NH nước ngoài, 50 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH có 100% vốn nước ngoài gồm Standard Chartered Bank, HSBC, Shinhan Bank, Hong Leong, ANZ và 4 NH liên doanh. |
Ông Tharabodee Serng - Adichaiwit, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam tiết lộ, trong năm 2014, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã tăng hơn 10%, cao gấp hơn 2,5 lần mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cùng thời gian, trong đó các khoản tín dụng cấp cho nhà đầu tư FDI chiếm hơn 90% khoản cho vay mới của chi nhánh ngân hàng Bangkok tại Việt Nam”.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây thực sự là thách thức lớn đối với ngân hàng nội. Bởi tới đây, khi AEC được hình thành, cộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU, TPP... được ký kết sẽ khiến vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh hơn. Hiện tại, đã có nhiều tập đoàn nước ngoài bắt đầu “đổ bộ” sang Việt Nam. Tuy nhiên, với các khách hàng tiềm năng này, các ngân hàng trong nước cũng không có nhiều cơ hội, bởi thường dòng vốn FDI chảy đến đâu, ngân hàng “đồng hương” sẽ đi theo tới đó. Vì thế, để có thể cạnh tranh, xứng tầm khu vực, giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là các ngân hàng phải có kế hoạch mua bán, sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động.
Bài và ảnh: Hải Yên