Cơn mưa rừng chiều ào ạt chào đón khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình rẽ về phía xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Những người phụ nữ MNông mang những gùi nặng trĩu trên đường về, mặc cho trời mưa, dừng lại bên lề đường, ngồi nhai trầu, nói chuyện vui vẻ với nhau. Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa, trượt trên sườn dốc thoai thoải xuống đường rồi đuổi nhau chạy vòng quanh một cột cây số. Nhưng cái thu hút nhất chạm vào tầm mắt của tôi đầu tiên là những thân chò cao và to gần một vòng tay người ôm, hiên ngang đứng, xếp hàng nhau chạy theo biên núi và trên cả những đỉnh rừng nhoà nhoà trong mưa. Cây nào tán cũng rộng và nhiều hoa. Trong màn mưa rơi rơi, ngắm những khóm hoa chò tít tắp trên cao hoặc phía xa xa triền núi, lòng bỗng dâng lên một cảm giác bình yên đến lạ. Dù là lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này và lại ướt gần hết bởi cơn mưa rừng đột ngột nhưng tôi chợt thấy vui. Đây mới là núi rừng, đây mới là những gì mà thiên nhiên vẫn còn giữ lại được trước sự tham lam của con người.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại điểm trường ông Nhày với các giáo viên ở đây, chúng tôi dậy sớm, dạo một vòng xung quanh trường. Sương vẫn còn dày đặc cả một vùng núi rừng bao la. Nhưng trong màn sương ấy, những khóm hoa chò hiện ra, kiêu hãnh với vẻ đẹp không gì sánh được. Cái màu nâu của hoa chò quyện trong sương sớm làm tôi đứng nhìn mãi cho đến lúc anh bạn đồng hành giục vào chuẩn bị hành trang để vào các thôn nhỏ, tiếp tục cuộc hành trình với núi rừng Trà Leng. Mà ở khu vực chúng tôi đi từ chiều hôm trước đến giờ, lạ một cái là rừng chỉ có một màu hoa chò là duy nhất. Tuy thỉnh thoảng cũng có vài chấm đo đỏ của một loài hoa dại nào đó nhưng bao trùm vẫn là một màu xám bình dị, dịu dàng mà thân thương quá đỗi. Hoa chò thường nở rộ vào độ giữa đến cuối tháng ba. Nó như gom góp tất cả sức sống, tất cả vẻ đẹp của mùa xuân nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ để chào đón mùa hè dần dần chuyển đến. Và đó cũng là điều may mắn của tôi trên chuyến hành trình về với Nam Trà My .
Suốt một ngày lội bộ băng rừng vào với điểm trường thôn Tắk Lẻ thăm một người bạn giáo viên công tác tại đây rồi trở ra, nỗi nhớ màu hoa chò đang đợi ở trung tâm xã Trà Leng phía sau lưng cứ làm tôi bồn chồn không yên trong mỗi nhịp bước chân qua từng phiến đá, từng con suối gập ghềnh. Dù điểm tôi đến cũng có nhiều cảnh đẹp của núi rừng, nhiều đồng bào dân tộc chân tình, mộc mạc và gần gũi nhưng cái màu xám trên tán chò cao cao vẫn cứ ám ảnh mãi trong tâm thức tôi. Và rồi, đến hơn 2 giờ chiều, chúng tôi quyết định băng rừng quay trở ra. Chiều đã muộn. Trời cũng sắp mưa. Mưa rừng thì hầu như chiều nào cũng có một trận. Ba lô lên vai, chúng tôi lại tạm biệt núi rừng để về với đồng bằng. Qua những cánh rừng, những ngọn núi hai bên đường, mưa lại bắt đầu rơi. Càng cảm thấy loài hoa này đẹp hơn khi sắp đến giờ giã biệt nhau. Ngùi ngùi phóng tầm mắt quay lại, nhìn lên cao khi chiếc xe máy đã bắt đầu chạy nhanh hơn bởi đã ra đến đoạn đường trải nhựa. Vẫn một màu xám ấy thôi nhưng sao mà lưu luyến thế. Có gì đó như muốn níu chút hồn tôi ngược lại, có chút hương rừng càng lúc càng đậm lên dù đã dần dần khuất xa tầm mắt.
Xuống đến trung tâm huyện Nam Trà My, anh bạn đồng hành bảo không biết lần sau quay lại còn được thấy những thân chò cao to đứng canh giữ núi rừng hay không. Anh bảo có lẽ do đường vào xã Trà Leng nhỏ quá, chỉ là một cái cầu treo chịu được trọng tải rất ít nên các dự án khai thác rừng già (hoặc là phá rừng già) vẫn chưa có điều kiện triển khai. Lâm tặc có hoành hành thì cũng lẻ tẻ, chưa đi vào tổ chức và khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, màu hoa chò nâu mới trải dày từ dãy núi này qua dãy núi khác để chúng tôi ngắm nhìn. Nhưng chỉ nay mai thôi, nghe nói các dự án làm đường, làm cầu lớn sẽ được gấp rút hoàn thành. Đường vào với xã Trà Leng sẽ rộng hơn, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây có khả năng được cải thiện hơn. Nhưng không ai dám chắc rằng những cánh rừng chò còn sống được, màu hoa chò còn phô sắc nâu để chào đón những mùa hè mới. Sự phát triển, đổi thay nào cũng có cái giá của nó. Nghe đâu các DN, công ty khai thác gỗ và lâm sản đã rục rịch vào đây tham khảo địa bàn và tính toán những bước đi cho công cuộc làm ăn của mình. Nghe buồn một nỗi và xót xa cho những cây chò, cho những cánh rừng, những tán hoa chò mang cả linh hồn núi rừng Trà Leng.
Nguyễn Thành Giang