Ngày 26/2, một đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết Nga và Ukraine đã nhất trí tham gia cuộc đàm phán 3 bên về vấn đề khí đốt theo đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 2/3 tới tại Brussels (Bỉ).
Theo nguồn tin EU, thành phần tham gia đàm phán tại Brussels không chỉ có bộ trưởng Năng lượng Nga và Ukraine, dự kiến còn có lãnh đạo tập đoàn khí đốt lớn nhất hai nước Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraine). Về nội dung đàm phán, mục tiêu chính là EU muốn Nga và Ukraine đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong cung cấp và vận chuyển khí đốt tới châu Âu, trong đó EU cho rằng nên tách riêng vấn đề Nga cung cấp khí đốt cho vùng Donbass xung đột khỏi các vùng khác của Ukraine.
EU đưa ra đề xuất trên trước bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là Ukraine hết hạn trả tiền mua khí đốt trước cho Nga theo hợp đồng. Nếu phía Kiev không thanh toán đúng hạn, Moskva sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang nước này, hậu quả sẽ đe dọa nguồn cung khí đốt sang châu Âu, tái diễn kịch bản năm 2009 khi người dân châu Âu không có khí đốt để sưởi ấm giữa tháng 2 lạnh giá. Trước đó, dưới sự trung gian của EU, Nga và Ukraine đã nhất trí một gói biện pháp "mùa Đông" đảm bảo nối lại cung cấp khí đốt cho đến hết tháng 3/2015.
Về tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomash Semonyak ngày 26/2 tuyên bố Vacsava có kế hoạch gửi gần 100 chuyên gia quân sự đến Ukraine để huấn luyện binh sĩ quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được Ba Lan đưa ra vào tháng 3 tới.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, lãnh đạo các nước và tổ chức vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho quốc gia này. Ngày 26/2 đã diễn ra vòng đàm phán tiếp theo của Nhóm tiếp xúc về giải quyết tình hình Ukraine, song chưa đi đến quyết định nào. Dự kiến nhóm này sẽ tiếp tục công việc vào ngày 27/2.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của EU ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã thảo luận việc thực hiện thỏa thuận Minsk 2 và vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, cũng như vấn đề hợp tác năng lượng giữa Moskva và EU. Trong một tuyên bố ngày 26/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng để giải quyết triệt để được xung đột ở Ukraine sẽ mất hàng chục năm.
Dự kiến, Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ John Kerry sẽ gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 2/3 tới để thảo luận vấn đề khủng hoảng Ukraine.
TTXVN/Tin tức