Theo Ngoại trưởng Nga, sau những bước tiến đáng kể tại cuộc gặp của Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) và Iran tại Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 2/4, cụ thể là ký được thỏa thuận khung về kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, Moskva cho rằng lệnh cấm bán hệ thống tên lửa mà Nga tự nguyện áp dụng để ủng hộ nghị quyết năm 2010 của Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran đã không còn cần thiết.
Tên lửa phòng không S300 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thêm vào đó, S-300 là hệ thống tên lửa hoàn toàn mang tính phòng thủ và không gây nguy hại an ninh của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, trong đó có Israel. Trong bối cảnh xung đột rất căng thẳng hiện nay ở khu vực lân cận Iran, ví dụ ở Yemen, Tehran rất cần có hệ thống phòng thủ đối không để bảo đảm an ninh quốc gia.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nga V.Putin cho biết, việc nối lại cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran có thể được khởi động vào bất kỳ lúc nào.
Về phần mình, Tehran hoan nghênh quyết định trên của Moskva, đánh giá động thái này thể hiện ý chí chính trị của lãnh đạo hai nước cải thiện hợp tác ở tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehgan khẳng định, những mối đe dọa từ các nhóm khủng bố trong khu vực đã thúc đẩy sự hợp tác giữa Iran và nga.
Trong khi đó, Mỹ và Israel đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Nga bãi bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Iran.
Ngày 13/4, Nhà Trắng cho biết Lầu Năm Góc và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov liên quan tới quyết định trên của Moskva. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng quyết định này cùng với động thái của Nga khởi động thỏa thuận đổi dầu lấy lương thực thể hiện Moskva muốn giành lợi thế một khi các biện pháp trừng phạt Tehran được dỡ bỏ. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren cũng cho biết Mỹ đang tìm cách bày tỏ quan ngại về quyết định trên của Nga "thông qua tất cả các kênh ngoại giao thích hợp".
Bộ trưởng tình báo Israel Yuval Steinitz ra tuyên bố cho rằng động thái này là một bằng chứng cho thấy Tehran sẽ tận dụng tăng trưởng kinh tế nhờ việc dỡ bỏ cấm vận để tăng cường vũ trang chứ không phải là đem lại sự thịnh vượng cho người dân.
Năm 2010 Nga đã hủy hợp đồng bán hệ thống phòng không tân tiến S-300 cho Iran sau khi LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
TTXVN/Tin Tức