Bất chấp sức ép của phương Tây, Nga tiếp tục có các bước đi mang tính chiến lược nhằm ổn định tình hình, tạo lập nền tảng phát triển vững chắc cho Crimea (Crưm), vùng đất mới sáp nhập vào Nga.
Ưu tiên hai chủ thể mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/4 cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét khả năng áp dụng luật miễn giảm gánh nặng đối với người Tatar ở Crimea, hợp pháp hóa cộng đồng này và thúc đẩy các dự án hạ tầng tại những nơi có đông người Tatar sinh sống. Tuyên bố này được đưa ra tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với ông Rustam Minnikhanov - người đứng đầu cộng đồng Tatar ở Crimea. Trước đó, ông Putin đã ký các sắc lệnh thành lập Bộ Các vấn đề Crimea và Sevastopol, bổ nhiệm ông Oleg Savelyev làm người đứng đầu bộ này.
Crimea trước cơ hội phát triển mới. |
Theo Thủ tướng Dmitry Medvedev, việc thành lập một cơ quan chuyên trách liên bang nói trên là hết sức cần thiết, đặc biệt là khi chính quyền liên bang đặt ưu tiên phát triển hai chủ thể mới sáp nhập này. Các sắc lệnh khác về tăng lương tối thiểu cho các đối tượng hưởng lương ngân sách, tăng lương hưu cho người dân Crimea cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4.
Trước đó, hôm 31/3, ông Medvedev đã dẫn đầu một phái đoàn của chính phủ tới thủ phủ Simferopol nhằm tìm hiểu thực tế, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người dân ở Crimea và Sevastopol. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu liên bang phát triển kinh tế xã hội cho các vùng lãnh thổ mới sáp nhập đến năm 2020. Tại cuộc gặp mặt với giới chức địa phương, Thủ tướng Medvedev đã chỉ thị thành lập đặc khu kinh tế tại Crimea và Sevastopol, giao cho Bộ Tài chính và Bộ Phát triển Kinh tế cùng với Ngân hàng "Bank Russia" đệ trình lộ trình cải tổ hệ thống ngân hàng và thanh toán tại hai khu vực này.
Nga cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO
Trong khi đó, ngày 1/4, Nga đã cảnh báo về việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cho rằng những nỗ lực trước đây của Ukraine nhằm tiến gần hơn tới NATO đã làm xấu đi mối quan hệ với Nga, đồng thời gây ra nhiều vấn đề giữa Nga và NATO.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết chính Ukraine đã khiến các cuộc tiếp xúc chính trị giữa hai bên bị đóng băng. Nga cũng nhấn mạnh tương lai quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đối ngoại của Ukraine.
Ngày 1/4, quốc hội Ukraine đã thông qua quyết định giải giáp ngay lập tức tất cả các tổ chức và cá nhân tự vũ trang bất hợp pháp, trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội vô cùng căng thẳng, tội phạm gia tăng tại nhiều vùng trên toàn Ukraine. |
Sau khi Ba Lan, CH Séc và Hungary gia nhập NATO năm 1999, tiếp sau đó Bulgari, Rumani, Slovakia, Slovenia và ba nước Baltic gia nhập liên minh quân sự này vào năm 2004, Nga lo ngại chiến lược mở rộng của NATO sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Đây cũng chính là lý do khiến Nga kiên quyết phản đối nước láng giềng Ukraine gia nhập NATO.
Về khả năng Ukraine gia nhập NATO, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier tuyên bố: Mặc dù có triển vọng hợp tác chặt chẽ giữa Ukraine và NATO nhưng không thể có chuyện Ukraine sớm gia ngập NATO.
Nga đưa ra cảnh báo với Ukraine trùng ngày NATO tổ chức một cuộc họp giữa các ngoại trưởng trong khối tại Brussels (Bỉ). Nội dung chính là thảo luận khủng hoảng an ninh tại châu Âu liên quan đến tình hình Ukraine; khả năng NATO tham gia giải quyết khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này; và các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác với Ukraine. Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước NATO sẽ thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ tập thể của 28 quốc gia liên minh dành cho Ukraine, như tăng cường diễn tập không quân tại biển Baltic.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea và Sevastopol, mối quan hệ giữa NATO với Nga không còn được như trước, song tổ chức này vẫn duy trì kênh đối thoại chính trị trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga.
HT - TTG