Nắng nóng, trẻ nhập viện gia tăng

Sau tuần nắng nóng với những ngày nhiệt độ lên tới 400C vừa qua, theo các cơ sở y tế, số lượng trẻ em tới khám, điều trị bệnh đã bắt đầu gia tăng.


Nhiều bệnh lây nhiễm.


Theo đại diện Bệnh viện (BV) Nhi TƯ, những ngày vừa qua, số trẻ đến khám chữa bệnh tại BV đã tăng hơn so với nửa tháng trước. Mỗi ngày có khoảng 1.500 - 1.600 bệnh nhi đến khám, cá biệt có ngày lên tới gần 1.900 bệnh nhi; trong khi trước đó, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 700 hoặc hơn 1.000 trẻ đến khám chữa bệnh.

 

Chờ khám bệnh tại BV Nhi Trung ương.


“Số lượng trẻ tới khám chữa bệnh này vẫn thấp hơn so với đầu tháng 4/2014, khi BV lên tiếng kêu cứu vì quá tải bệnh nhân sởi, với khoảng 3.500 bệnh nhi/ngày, tuy nhiên vẫn là tăng gấp đôi so với bình thường”, đại diện BV này cho biết.


Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến lượng bệnh nhi gia tăng trong những ngày nắng nóng vừa qua là do trẻ không kịp thích ứng với sự thay đổi của thời tiết, dễ mắc một số bệnh thường gặp trong mùa hè. Hơn nữa, sau một thời gian lo sợ vào viện rước thêm bệnh sởi cho trẻ, đến nay nhiều bà mẹ cũng bớt e ngại nên đưa trẻ đến viện nhiều hơn.


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ, vào chiều 24/5 có khá nhiều trẻ được đưa đến khám do mắc bệnh hô hấp, sốt vi rút, tiêu chảy, tay chân miệng... Mẹ cháu Vũ Lê Hải An, 6 tuổi, ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Cháu bị sốt từ hôm kia. Sáng 24/5, cháu đau bụng nhiều, tiêu chảy nên tôi vội đưa cháu tới BV. Đợt này, bệnh nhân sởi cũng giảm nên tôi cũng bớt lo khi đưa cháu đi khám”.


Đưa bé Phan Thủy Tiên, 5 tháng tuổi (Văn Lâm, Hưng Yên) đi khám tại BV Nhi TƯ, ngoài mẹ cháu là chị Lê Thị Quyên, còn có cả bà ngoại và bà nội. Chị Quyên lo lắng cho biết: “Mấy hôm nay cháu bị sốt, cứ ăn vào lại trớ ra. Đến trưa 24/5, cháu lại sốt cao, đi ngoài có màu máu cá, nên gia đình lo lắng quá vội đưa cháu đi khám”.


Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, mỗi ngày cũng có khoảng 200 bệnh nhi tới khám. Và cũng như BV Nhi TƯ, tại đây cũng đã xuất hiện trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não, là bệnh do vi rút truyền qua muỗi và thường phát triển vào mùa hè.


Tại tỉnh Cà Mau, tình hình dịch tay chân miệng cũng đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc tăng 16% so cùng kỳ. BS Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau lý giải: “Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, một số bệnh viện chưa thực hiện tốt quy trình cách ly, nhiều ca bệnh được chẩn đoán lâm sàng không chính xác cũng là nguyên nhân làm cho bệnh chân tay miệng tăng cao”.


Còn tại tỉnh Hải Dương, bên cạnh dịch sởi đang tiếp diễn, đã xuất hiện nhiều ca mắc tay chân miệng, sốt vi rút... BS Nguyễn Đình Thực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương nhận định, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, sốt xuất huyết. Thống kê của BV Nhi Hải Dương cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 20 ca mắc tay chân miệng; BV đang điều trị cho 53 bệnh nhân sốt vi rút.


Bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng


Theo BS Nguyễn Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ: “Càng nắng to thì bệnh viêm não, nhất là viêm não Nhật Bản ở trẻ càng đáng ngại. Mỗi năm, tại BV Nhi TƯ có khoảng 400 - 500 ca viêm não, trong đó số ca viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%. Nhiều cháu bị biến chứng liệt, phải nằm một chỗ. Bên cạnh đó, mùa hè cũng là thời điểm của bệnh hô hấp, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng...”.


Theo bác sĩ Hải, một số bệnh dịch trong mùa hè do vi rút gây ra thường diễn biến nhanh và có triệu chứng ban đầu tương đối giống nhau. Ví như, cả bệnh sởi và chân tay miệng đều có triệu chứng ban đầu là mệt mỏi, sốt trên 380C, nổi ban ở tay, chân, đau họng, sổ mũi, ho, hắt hơi liên tục... Do đó, để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc, tốt nhất khi trẻ sốt cao đến ngày thứ 2 mà không thuyên giảm, thì cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị kịp thời.


Đặc biệt, cần đưa trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến BV ngay khi trẻ sốt cao liên tục và không giảm nhiệt độ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt, giật mình không vì tiếng động, quấy khóc không có lý do, nửa ngày không đi tiểu... Với trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết thì cần chú ý khi xuất hiện các triệu chứng như: Trẻ nôn nhiều, không ăn uống được, đi ngoài phân đen, chảy máu cam...


Để phòng bệnh mùa hè cho trẻ, theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Nhi đồng 1,TP Hồ Chí Minh, các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm phòng các loại vắcxin theo đúng khuyến cáo của ngành y tế, nhất là vắcxin phòng sởi, viêm não Nhật Bản. Tránh để điều hòa nhiệt độ quá thấp, hoặc để quạt chiếu thẳng vào cơ thể trẻ, sẽ dễ gây khô, "lạnh" đường thở của trẻ, tạo điều kiện cho vi rút “tấn công” đường hô hấp của trẻ, gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Từ đó, trẻ dễ bị cảm cúm, viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...


“Quan trọng là đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên rửa tay, vệ sinh đường hô hấp, đảm bảo dinh dưỡng, tránh đưa trẻ đến nơi đông người... Đặc biệt, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc với nguồn lây vì cha, mẹ có thể vô tình truyền bệnh sang cho con trẻ”, BS Nguyễn Thiện Hải khuyến cáo.


Bên cạnh đó, các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, tại thời điểm này, tuy số lượng bệnh nhi sởi nhập viện đã giảm. nhưng các bà mẹ cũng không nên chủ quan, vì đây là bệnh dịch rất dễ lây. Tại BV Nhi TƯ đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi, tại khoa nhi - BV Bạch Mai là 49 trẻ, tại BV Bệnh Nhiệt đới là 43 cháu mắc sởi... Do đó, các bà mẹ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, tránh tình trạng lây nhiễm thêm bệnh tại những cơ sở y tế tuyến trên.


Nhóm phóng viên

Nắng nóng bất thường, nguy cơ dịch bệnh mùa hè
Nắng nóng bất thường, nguy cơ dịch bệnh mùa hè

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành ơ Hà Nội nên bệnh sởi đã giảm rõ rệt nhưng một số bệnh mùa hè như sốt xuất huyết và chân tay miệng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu không phòng bệnh quyết liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN