Sự cống hiến thầm lặng, nhưng cao cả của những người “gieo chữ” ở xứ sở ngàn thông Ba Tơ (Quảng Ngãi), đã vẽ nên câu chuyện cảm động về tình thầy và trò. Những nhà giáo nơi đây đã trở thành tấm gương sáng mẫu mực để lớp lớp thế hệ học sinh noi theo, khi biết hi sinh lợi ích cá nhân cho những “mầm xanh” được đến lớp.
Hàng ngày không phải về nhà, học sinh có nhiều thời gian để học hành hơn. |
Chúng tôi đến trường Trung học phổ thông (THPT) Ba Tơ khi nắng chiều vẫn còn gay gắt. Toàn trường có hơn 650 học sinh; trong đó, có 60% là học sinh dân tộc thiểu số, 40% học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy số lượng khá đông, nhưng trường vẫn chưa xây dựng được nhà bán trú, mặc dù nằm ngay trung tâm huyện. Chính vì thiếu chỗ ăn, ở nên tỷ lệ chuyên cần của trường không cao.
Thương các em và lo cho sự nghiệp "trồng người", những nhà giáo ở đây đã nhường phòng ở của mình cho học trò, để từng bước “ngăn dòng” bỏ chữ. Thầy Lê Văn Dũng, phụ trách môn thể dục khối 10, 12, chia sẻ: "Thấy học sinh khó khăn quá nên đầu năm 2013, tôi cùng 3 thầy khác ghép vào ở một phòng, nhường phòng lại cho các em”.
Những em được nhường phòng hầu như ở xa điểm trường hàng chục cây số, thuộc các vùng đặc biệt khó khăn như xã Ba Điền, Ba Giang, Ba Vinh, Ba Khâm, Ba Lế…; có những xã xa đến 70km. Khi chủ trương nhường phòng ở cho học sinh được nhà trường phát động, đã có 12 thầy cô đã tiên phong thực hiện. 5/10 phòng tập thể của giáo viên được chuyển sang làm nhà bán trú, sắp xếp cho 40 em ở tạm. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích của mỗi phòng chỉ khoảng 16 m2, nhưng đặt tới 3 - 4 giường đôi rất chật chội, gò bó. Nhưng đối với học sinh vùng cao, đó là cả một niềm ao ước.
Học sinh ở trường Ba Tơ được các thầy, cô trong trường nhường chỗ ở, nên các yên tâm học tập. |
Cũng có trường hợp thầy cô cho học sinh ở ghép với mình cho dễ quản lý. Thầy Đinh Văn Chanh tâm sự: "Thương các em bao nhiêu thì lo cho các em bấy nhiêu. Sợ tụi nó đi đường xa nguy hiểm, nên tôi đã cho hai em nữa ở chung phòng với mình. Ngoài việc nấu ăn chung, tôi còn kèm dạy thêm, để các em tiến bộ hơn trong việc học”.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phân công thầy cô trực ca đêm (từ 19 giờ - 22 giờ 30) để học sinh chú trọng hơn việc ôn tập ngoài giờ lên lớp, chất lượng giáo dục nhờ đó được nâng cao. Em Phạm Thị Dưng, học sinh lớp 11, tâm sự: "Nhà em ở cách điểm trường hơn 25 km, nên phải ở trọ với bạn trên này. Mỗi tháng, em đóng 500.000 đồng tiền trọ. Nhờ được thầy cô cho ở phòng miễn phí, nên em rất vui. Vui hơn là có nhiều bạn bè bảo ban nhau, nên không thấy buồn khi sống xa gia đình".
Chia tay trường Ba Tơ, chúng tôi nhớ như in câu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương mẫu mực cho học sinh” được nhà trường treo trang nghiêm ngay trước khu nhà dạy học, như muốn nhắc nhở những người đang “chèo lái” con đò tri thức phải sống có trách nhiệm hơn với thế hệ trẻ; phải vững vàng như ngàn cây thông sừng sững giữa núi rừng Ba Tơ hùng vĩ…
Bài và ảnh: Lê Phước Như Ngọc