Do đó, giáo dục môi trường cho đồng bào Mông là rất quan trọng để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cộng đồng. Để giáo dục môi trường hiệu quả cần có sự chọn lọc hợp lý dựa trên cơ sở khoa học cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể.
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Tại các thôn bản của huyện Si Ma Cai, cách phổ biến nhất để xử lý chất thải sinh hoạt là đốt đơn giản (59%), chôn lấp đơn giản trong vườn nhà (45%) và xả trực tiếp tự do vào môi trường xung quanh (41%). Ngoài ra toàn bộ nước thải sinh hoạt được xả thải trực tiếp vào đất hoặc nguồn nước tự nhiên mà không áp dụng bất kỳ công đoạn xử lý nào, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với quản lý chăn nuôi, do truyền thống chăn thả tự do với quy mô nhỏ, người dân đã không chú ý đến việc thu gom chất thải chăn nuôi nên đã trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Tập quán nhốt vật nuôi dưới sàn nhà vẫn còn khá phổ biến (45%) nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Với tổng đàn trâu bò và lợn chăn nuôi ở huyện Si Ma Cai trên 42.000 con, lượng phân thải ra hàng ngày ước tính khoảng 465 tấn/ngày (tương ứng khoảng 169.725 tấn/năm), chưa tính đến lượng phân thải ra của 185.000 con gia cầm. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu (86%) - đây là nguyên nhân quan trọng của nhiều vấn đề mất vệ sinh nông thôn và nguồn gốc của mầm bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Mặt khác, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sạch cho sinh hoạt là rất phổ biến ở vùng núi cao ở Lào Cai trong mùa khô. Ở các cộng đồng dân tộc thiểu số như đồng bào Mông hiện nay không có hệ thống cấp nước sạch. Có đến 85% người dân sử dụng nước suối tự nhiên làm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Trước đây, các nguồn suối tự nhiên tương đối sạch có thể đáp ứng các yêu cầu cho mục đích sinh hoạt nhưng hiện nhiều nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm do các chất thải khác nhau, thậm chí cả thuốc bảo vệ thực vật.
Trên thực tế, người dân cũng không nhận biết được các vấn đề nước bị ô nhiễm, ngoại trừ một số dấu hiệu rõ ràng như biến đổi màu sắc hoặc có mùi khó chịu. Kết quả khảo sát cho thấy, chưa có các nghiên cứu đánh giá cụ thể về thực trạng các nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt tại các địa phương nghiên cứu tại tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Si Ma Cai nói riêng. Do vậy, ô nhiễm nước và bảo vệ các nguồn nước tự nhiên đã và đang nổi lên như vấn đề môi trường cấp bách ở các vùng nông thôn miền núi hiện nay.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của đồng bào Mông chủ yếu là canh tác nương rẫy theo phương thức canh tác truyền thống, nhưng hiện tại nông nghiệp đã phát triển theo hướng thâm canh với cây trồng có giá trị kinh tế cao, nên đồng bào Mông cũng có xu hướng sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trong canh tác nương rẫy, thay vì phát chặt và đốt để canh tác trước đây, bây giờ họ sử dụng thuốc diệt cỏ, hậu quả của việc lạm dụng thuốc ảnh hưởng mạnh đến môi trường, có thể làm chậm sự sinh trưởng và năng suất cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Chưa kể nhiều loại thuốc diệt cỏ không có nguồn gốc xuất xứ và các thông tin cần thiết, vì vậy rất khó để người dân xác định chúng. Vì họ sử dụng chủ yếu theo kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, dẫn đến 100% hộ gia đình được khảo sát đều có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều trường hợp ngộ độc ở người và động vật, thậm chí tử vong đã được ghi nhận có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, hoặc nước bị ô nhiễm. Điển hình như năm 2017 tại huyện Si Ma Cai có 16 con trâu bị chết với triệu chứng bụng chướng to, đầy hơi, suy kiệt do ngộ độc thuốc diệt cỏ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong cộng đồng dân tộc Mông ở Si Ma Cai hầu hết chưa hiểu biết về bản chất của các vấn đề môi trường cũng như công tác bảo vệ môi trường. Họ cũng không nhận thức đầy đủ về tác động giữa khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường để phát triển cộng đồng bền vững. Có tới 76% người dân không nhận biết được các yếu tố môi trường là gì và chỉ có 24% số người kể tên được một số yếu tố môi trường cơ bản như đất, nước,… sau khi được gợi ý thêm. Nhưng lại có tới 81% người được hỏi cho rằng môi trường có tác động đến đời sống của họ và 96% cho rằng cần thiết phải bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, đồng bào Mông biết rất rõ cuộc sống của họ luôn cần có rừng, đất, nước và không khí, và nhiều điều kiện sống khác, nhưng họ không biết tác động của các hoạt động hàng ngày của họ đến các yếu tố môi trường này. Rõ ràng đối với người Mông, nhận thức về những khái niệm khoa học và vấn đề môi trường thực tế vẫn còn có khoảng cách khá rõ nét. Mặc dù nhận thức về môi trường còn hạn chế, song kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đồng bào Mông có ý thức khá tốt trong bảo vệ thiên nhiên, nhất là bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn nước. Họ đều cho rằng, công tác bảo vệ môi trường phải có sự tham gia của cả cộng đồng.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng
Một vấn đề cần quan tâm hiện nay là truyền thống bảo vệ thiên nhiên của đồng bào Mông thường được dựa vào tín ngưỡng (rừng thiêng, rừng cấm, suối thiêng,…) đã ít còn được coi trọng như trước đây. Các luật tục trong thôn bản cũng không được duy trì (như cúng thần rừng, thần sông, thần suối…), nên lớp người trẻ tuổi cũng ít còn quan tâm đến "rừng thiêng". Do đó, giáo dục môi trường cho người Mông là rất quan trọng để góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững cộng đồng.
Theo phân tích của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cự, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Vấn đề khó khăn nhất trong giáo dục và bảo vệ môi trường cho các dân tộc thiểu số là làm thay đổi phong tục tập quán truyền thống không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Với lối sống tương đối khép kín, đồng bào Mông thường chỉ tiếp thu kiến thức từ bên ngoài nếu điều đó thực sự mang lại lợi ích cho họ. Nên công tác giáo dục môi trường để phát triển bền vững cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cộng đồng dân tộc. Đây được xem là yếu tố quyết định có ý nghĩa dẫn đến làm thay đổi hành vi môi trường của người dân. Giáo dục môi trường không chỉ quan trọng đối với nghiên cứu về giáo dục bền vững môi trường, mà cần phải đặt trong bối cảnh cụ thể và có thể đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và bền vững của cộng đồng.
Việc xác định mục tiêu cho công tác giáo dục môi trường cần được cụ thể và rõ ràng, làm cho người dân nâng cao về nhận thức và sự quan tâm quan tâm đến môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường, có kiến thức, kỹ năng, thái độ, sáng kiến và trách nhiệm đối với giải quyết các vấn đề hiện tại và phòng ngừa những vấn đề môi trường phát sinh mới; thúc đẩy sự phát triển bền vững của con người: phát triển bền vững xã hội, bền vững kinh tế và bền vững môi trường tự nhiên. Mặt khác, trong công tác giáo dục môi trường cũng cần quan tâm đến các vấn đề về đạo đức môi trường và các khía cạnh về kinh tế-xã hội.
Công tác giáo dục môi trường để phát triển bền vững các cộng đồng dân tộc thiểu số phải đạt được 3 mục tiêu. Đó là nâng cao nhận thức về môi trường, xây dựng năng lực bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi môi trường của mọi người. Những mục tiêu này có một mối quan hệ hỗ trợ và thúc đẩy. Như vậy, cách tiếp cận giáo dục môi trường cho cộng đồng đồng bào Mông cần có sự kế thừa và phát huy những mặt tích cực của kiến thức bản địa về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, của người dân tộc.
Giáo dục môi trường để phát triển bền vững các dân tộc thiểu số cần có sự kết hợp hợp lý giữa tập huấn, truyền thông và tổ chức các hoạt động cụ thể theo cách mà xã hội gọi là "cầm tay chỉ việc". Do thường có khó khăn để thay đổi nhận thức và thói quen của người cao tuổi, nên giáo dục môi trường trước tiên nên tập trung vào thế hệ trẻ. Hơn nữa, giáo dục môi trường nên được thực hiện theo những cách đơn giản và dễ hiểu. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng là già làng, trưởng bản và những người có uy tín khác trong cộng đồng.
Từ các kết quả nghiên cứu thực tế ở các cộng đồng người Mông ở Si Ma Cai, nhóm các nhà khoa học đề xuất khung tiếp cận giáo dục môi trường để phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số cần dựa trên cách tiếp cận, bao gồm 6 bước chính. Các nội dung đặt ra cần được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với đặc điểm của cộng đồng dân cư địa phương. Theo đó, đầu tiên là khảo sát và thu thập các thông tin cần thiết; Phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và môi trường địa phương; xác định các nguyên nhân và hệ quả của suy thoái môi trường đối với cộng đồng, các vấn đề ưu tiên cần giải quyết; thiết kế nội dung và chương trình giáo dục môi trường để phát triển bền vững; thực hiện công tác giáo dục môi trường. Bước cuối cùng là đánh giá kết quả của chương trình giáo dục môi trường, điều chỉnh nội dung và phương pháp thực hiện để có hiệu quả hơn.
Nội dung giáo dục môi trường cần bao gồm 3 hợp phần chính: Công tác giáo dục môi trường nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ môi trường cho người dân theo nhiều cách khác nhau, như tập huấn, truyền thông bằng hình ảnh, tờ rơi,… Thành lập các nhóm tự quản để tuyên truyền, tổ chức và duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường cụ thể để giải quyết những vấn đề môi trưởng ưu tiên ở địa phương.