Cảnh báo dấu hiệu bất thường môi trường nước ở một số vùng nuôi tôm hùm tại Phú Yên

Ngày 13/4, Trung tâm Giống nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết vừa có thông báo về kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước tại vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu, qua đó phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường.

Chú thích ảnh
Cho tôm hùm ăn lượng thức ăn vừa đủ, tránh dưa thừa thải ra môi trường.

Theo ông Ngô Xuân Lai - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên, kết quả quan trắc môi trường nước lấy mẫu kiểm tra tại hai vùng nuôi Dân Phú - Xuân Phương và Phước Lý - Xuân Yên cho thấy: Nước vùng nuôi tôm hùm Dân Phú - Xuân Phương có màu nâu nhạt, chỉ tiêu H2S (khí độc) mẫu nước tầng đáy tại vùng nuôi vượt giới hạn cho phép, ở mức 0,006mg/l (giới hạn cho phép là 0,005mg/l). Tại vùng nuôi Phước Lý - Xuân Yên mẫu nước tầng giữa và đáy có màu nâu đậm chuyển dần sang màu đỏ, chỉ tiêu H2S vượt giới hạn cho phép, dao động từ 0,006 - 0,007mg/l. Đồng thời, hàm lượng COD (lượng oxy cần để ôxy hóa toàn bộ các chất hoá học trong nước) mẫu nước tầng mặt ở vùng nuôi này là 10,2mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Cũng theo ông Ngô Xuân Lai, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu có nhiều dấu hiệu bất thường như: do hoạt động cho tôm hùm ăn, phát sinh một khối lượng lớn thức ăn dư thừa thải ra môi trường khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là tầng đáy; một số vùng nước không lưu thông được; thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện tượng tảo nở hoa cũng gây ra nhiều bất lợi đối với vùng nuôi... 

Do vậy, Trung tâm Giống nông nghiệp đề nghị Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu và các xã, phường ven biển thông báo kết quả quan trắc môi trường đến người nuôi lồng, bè; khuyến cáo người nuôi cần nâng lồng lên tầng giữa hoặc cần thiết nâng lên tầng mặt để tránh thiếu ôxy cục bộ cho tôm nuôi và tránh ngộ độc H2S ở tầng đáy.

Người nuôi cần dùng lưới lan hai lớp che mát trên mặt lồng nhằm giảm cường độ ánh sáng và tránh để tôm bị stress trong điều kiện thời tiết nắng nóng; giãn cách lồng nuôi cho phù hợp, san thưa mật độ nuôi trong lồng, tăng cường vệ sinh lồng nuôi, không để hàu, hà bám vào lồng làm bịt kín các lỗ lưới làm giảm sự lưu thông dòng nước bên trong và ngoài lồng nuôi.

Đồng thời, người nuôi cần thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền xử lý chất thải theo đúng quy định; thường xuyên theo dõi màu nước, để phòng hiện thượng tảo nở hoa, gây hại cho tôm hùm.

Tỉnh Phú Yên có hơn 118.000 lồng nuôi tôm hùm; trong đó, tôm thương phẩm có 84.246 lồng, 34.782 lồng tôm hùm giống tập trung chủ yếu tại thị xã Sông Cầu.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Phú Yên khắc phục tình trạng nuôi tôm hùm không theo quy hoạch
Phú Yên khắc phục tình trạng nuôi tôm hùm không theo quy hoạch

Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã khuyến cáo và nhiều lần chỉ đạo các địa phương nuôi thủy sản bằng lồng, bè, nhất là nuôi tôm hùm cần chú trọng thực hiện đúng quy hoạch nhưng tình trạng nuôi tự phát và ngoài vùng quy hoạch vẫn tiếp tục tái diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN