Sáng 11/9 (giờ Việt Nam), trong bài phát biểu được dư luận chờ đợi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hạ quyết tâm tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng một chiến lược kết hợp các biện pháp ngoại giao và quân sự.
Mở mặt trận tại Syria
Để thực hiện mục tiêu quét sạch phiến quân, Tổng thống Obama đã phát động một cuộc chiến trong đó lần đầu tiên sẽ tiến hành không kích ở Syria - một trong hai địa bàn của IS. Ông Obama nói: “Tôi sẽ không ngần ngại hành động chống IS ở Syria cũng như Iraq... Sẽ có hành động ở Syria”.
Ông Obama phát biểu về chiến lược chống khủng bố IS. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, ông Obama cũng quyết định tiến hành một chiến dịch huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria để chống lại IS. Ông kêu gọi quốc hội nhanh chóng thông qua đề nghị cấp 500 triệu USD để có kinh phí huấn luyện phe đối lập Syria. Tuyên bố này ngay lập tức được phe đối lập Syria hoan nghênh.
Đối với mặt trận chống IS ở Iraq, Mỹ tiếp tục tăng cường không kích phiến quân, hỗ trợ 25 triệu USD về mặt quân sự ngay lập tức cho chính phủ Iraq, điều thêm 475 binh sĩ tới huấn luyện cho lực lượng Iraq đủ khả năng đương đầu với IS.
Bài phát biểu đanh thép cùng chiến lược chống IS quyết liệt của Tổng thống Obama đã được phần lớn nghị sĩ thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ. Ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, coi kế hoạch này là “bước đi khích lệ đúng hướng”.
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa cho biết họ muốn có thêm nhiều thông tin hơn nữa về chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu của Mỹ. Nhiều người muốn có một cuộc bỏ phiếu về nhiều vấn đề rộng hơn chứ không chỉ là một cuộc bỏ phiếu về gói kinh phí tài trợ cho phe đối lập Syria. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul cho biết ông ủng hộ hành động quân sự chống IS nhưng muốn ông Obama phải thực hiện theo hiến pháp, xin quốc hội trao quyền hành động.
Cần tôn trọng luật pháp quốc tế
Trong khi đó, các chuyên gia và nhiều cựu quan chức Mỹ nhận định cuộc chiến mà ông Obama phát động với IS có thể chỉ làm suy yếu nhóm khủng bố này mà không thể đánh bại được chúng. Ngoài ra, chiến dịch chống IS ở Syria còn tăng nguy cơ Mỹ sa lầy vào cuộc nội chiến ở Syria.
Trong chiến lược của ông Obama, kế hoạch không kích Syria được cho là “canh bạc” lớn nhất. Do không có lực lượng đối lập ôn hòa nào ở Syria đủ khả năng tận dụng không lực của Mỹ để đẩy lùi phiến quân, nên tác dụng các cuộc không kích của Mỹ có thể sẽ hạn chế hơn so với những gì Mỹ làm được ở Iraq. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Obama sẽ cho không kích bằng máy bay không người lái hay có người lái. Nếu là chiến đấu cơ và máy bay ném bom có người lái, Mỹ sẽ lại đặt các phi công vào mối nguy hiểm nếu chẳng may máy bay bị bắn hạ hoặc bị rơi xuống lãnh thổ của phiến quân IS.
Ngày 11/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Saudi Arabia để thảo luận với các nhà lãnh đạo Arab về việc lập một liên minh quốc tế với các quốc gia Arab và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống các phần tử thánh chiến IS ở Syria và Iraq.
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược toàn diện mới đối phó với các phần tử khủng bố IS tại Syria và Iraq, một số nước đã đưa ra các phản ứng đầu tiên. Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/9 cho rằng cuộc chiến nhằm vào các tay súng IS chỉ nên được thực hiện theo luật pháp quốc tế và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này. Cuộc chiến chống lại thế lực xấu xa này cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và Iraq.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan trong bối cảnh Tổng thống Obama cam kết tiến hành chiến dịch không kích sâu rộng tại cả Iraq và Syria.
Thùy Dương (tổng hợp)