Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24/2 đã rời thủ đô Oasinhtơn bắt đầu chuyến công du dồn dập 11 ngày tới 9 nước châu Âu và Trung Đông, gồm Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Cata.
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp ngày 25/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của ông Kerry cho thấy Nhà Trắng tập trung ưu tiên duy trì quan hệ vững mạnh với các đồng minh hàng đầu ở châu Âu, cải thiện quan hệ với các quốc gia Arập, có sự khác biệt so với việc ưu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Hilary Clinton.
Lịch trình dày đặc
Ngày 25/2, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Anh David Cameron và người đồng cấp William Hague. Ngoài vấn đề Xyri, hai bên cũng đã thảo luận về cách thức đạt được Hiệp định thương mại tự do Mỹ - EU và nhất trí rằng, Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Bắc Ailen vào tháng 6 sẽ là cơ hội quan trọng để thúc đẩy đàm phán về hiệp định này.
Ngày 26/2, ông Kerry sẽ tới Đức và có cuộc gặp với các quan chức nước chủ nhà. Cũng tại thủ đô Béclin, ông Kerry sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để bàn về một loạt các vấn đề song phương và quốc tế, trong đó sẽ tập trung bàn về tình hình Xyri.
Ngày 27/2, ông Kerry sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius tại Pari, thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho chiến dịch quân sự hiện nay của Pháp tại Mali. Tiếp theo, ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ gặp gỡ quan chức các nước Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, UAE và Cata. Thảo luận về tình hình khủng hoảng ở Xyri dự kiến một trong những nội dung chủ yếu trong các cuộc gặp này. Theo kế hoạch, chuyến công du của ông Kerry sẽ kết thúc ngày 6/3.
Nét mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyến công du maraton lần này của ông Kerry cho thấy nét mới trong chính sách ngoại giao của Oasinhtơn. Đó là khéo léo chuyển sự quan tâm khỏi châu Á và tăng cường hướng tới châu Âu.
Chính quyền của Tổng thống Obama bị chỉ trích là xem nhẹ trong quan hệ với các đồng minh châu Âu trong nhiệm kỳ đầu. Một số chuyên gia nhận định rằng châu Âu vẫn rất quan trọng đối với Mỹ khi còn nhiều đồng minh thân cận của mình ở đây và chuyến thăm lần này của ông Kerry là một cơ hội để Oasinhtơn cải thiện quan hệ với các đồng minh truyền thống.
Trang mạng Politico của Mỹ dẫn lời một cố vấn thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bằng cách không đi theo “vết chân của bà Clinton tại châu Á", ông Kerry đã khiến nhiều quan chức Nhà Trắng phải ngạc nhiên. Theo vị cố vấn giấu tên này, mặc dù công khai ủng hộ chính sách "chuyển trọng tâm sang châu Á" của Tổng thống Obama, song thực tế ông Kerry tỏ ra ít hào hứng với chính sách này so với bà Clinton, mà thay vào đó quan tâm hơn tới các vấn đề nóng hiện nay như giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri, vấn đề hạt nhân của Iran và ký kết một hiệp định thương mại mới với châu Âu.
Trong khi đó, ba chuyên gia làm việc tại Quỹ Di sản của Mỹ đã cùng viết một bài bình luận nói rằng chính quyền của ông Obama chưa quan tâm đầy đủ tới liên minh xuyên Đại Tây Dương trong 4 năm qua, và chuyến công du châu Âu của ông Kerry sẽ mở ra nhiều cơ hội để Mỹ cải thiện quan hệ với các nước này.
Lê Hải (tổng hợp)