Mỹ chạy nước rút trước thời điểm cắt giảm ngân sách

Chính phủ Mỹ ngày 1/3 vẫn tiếp tục khẩn trương hành động trước nguy cơ chương trình cắt giảm ngân sách liên bang tự động có hiệu lực sẽ ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán thế giới hầu hết đều giảm điểm trước nguy cơ mới.


 

Thị trường lao động Mỹ sẽ mất khoảng 750.000 việc làm nếu ngân sách tài khóa 2013 tự động bị cắt giảm.

 

Theo một thỏa thuận năm 2011 giữa chính quyền của Tổng thống Barack Obama, kể từ thời điểm cuối cùng của ngày 1/3/2013 (trưa ngày 2/3 giờ VN), ngân sách chính phủ liên bang Mỹ sẽ tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD/năm và 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới, chia đều cho các chương trình quân sự và đối nội. Lúc 22 giờ ngày 1/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Obama đã mời các lãnh đạo của hai viện Quốc hội đến Nhà Trắng để họp bàn nhằm tìm kiếm cơ may cuối cùng nhằm tránh nguy cơ các khoản chi tiêu bị tự động cắt giảm. Trước đó, ngày 28/2, các nghị sỹ của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không thông qua được một bản kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra.


Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, việc này sẽ có tác động mạnh mẽ tới người dân Mỹ cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Theo Bộ Y tế và các Dịch vụ xã hội Mỹ, việc cắt giảm ngân sách tự động sẽ khiến 30.000 trẻ em không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, các nhà dưỡng lão tại Mỹ cũng sẽ mất đi khoảng 4 triệu bữa ăn trợ cấp. Về giáo dục, hơn 400 triệu USD dành cho chương trình hỗ trợ trẻ em thiệt thòi sẽ bị cắt giảm, làm mất đi cơ hội chăm sóc của gần 70.000 em.


Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke, việc ngân sách tài khóa 2013 tự động bị cắt giảm sẽ đe dọa đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ. Theo dự báo, nếu kịch bản này xảy ra thì tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ mất 0,5 điểm phần trăm trong năm nay và thị trường lao động sẽ mất khoảng 750.000 việc làm. Hơn thế nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kế hoạch cắt giảm ngân sách này có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn của IMF, William Murray, nói: “Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra, thế nhưng mọi người đều cho rằng nó sẽ có ảnh hưởng”. Ông cho rằng IMF sẽ phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ cùng một vài chỉ số khác.


Trong khi đó, giới chuyên gia Mỹ nhận định việc ngân sách tự động cắt giảm 85 tỷ USD cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Oasinhtơn đang nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh, tăng cường sự hiện diện tại khu vực này.


Trước những nguy cơ hiện hữu nói trên, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều mất điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Lúc 22 giờ (VN) ngày 1/3 trên TTCK Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm 0,77%; chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,56%. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,55%; chỉ số DAX của Đức giảm 1,22% và chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,41%. Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Công (Trung Quốc) giảm 0,61%, còn do số liệu tiêu cực về hoạt động chế tạo ở đại lục vừa được công bố.


Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN