Cứ mỗi lần trời bắt đầu se lạnh, báo hiệu mùa đông về, tôi lại nhớ ngoại. Nhớ nhất những lúc đi học gặp mưa dông, mải chơi cùng bạn trong cơn mưa, về nhà cả người mệt ê ẩm, thế nào ngoại cũng nấu món canh lá lốt để giải cảm. Chỉ cần vài con tôm bắt được ngoài đồng, ngoại bước vội ra vườn hái nhúm lá lốt là đã có bát canh cho cả nhà.
Bà thường chọn những con tôm còn sống, làm sạch vỏ, giã nhỏ ướp gia vị. Lá lốt sau khi rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ. Đặt nồi lên bếp, phi thơm tỏi với dầu ăn, cho tôm vào xào chín, đổ nước chờ sôi rồi cho lá lốt vào. Ngoại không quên cho thêm ít gừng tươi giã dập, ít lá rau quế hoặc lá ngải cứu xắt nhỏ để tạo mùi thơm.
Như phép diệu màu, mỗi khi tôi bị cảm hàn chỉ cần ăn chén cơm với tô canh lá lốt nóng hổi ngoại nấu thì dường như cái cảm giác nặng nề, mệt mỏi trong cơ thể chợt tan biến đi.
Nhìn tôi hì hà, hì hụp húp, bà tôi giảng giải: "Thứ cây lá lốt này dễ sống, mọc tự nhiên, không cần sự chăm tỉa nhiều của con người ấy vậy mà cả rễ, thân, lá... đều là vị thuốc quý của người dân quê, dùng nấu lấy nước uống chữa đau xương, thấp khớp, đổ mồ hôi tay, chân, chữa cảm hàn... lại còn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon".
Mà cũng thật lạ, món canh ngoại nấu mới thưởng thức lần đầu thấy hơi đăng đắng, quen rồi dăm ba bữa không ăn lại thấy thèm cái hương vị đặc biệt ấy. Vì tôi thích món canh lá lốt, nên ngoại luôn chừa một góc vườn nhỏ để trồng. Mỗi lần nhìn dáng ngoại hối hả ra góc vườn hái lá lốt là thêm một lần tôi thương ngoại vô cùng. Cả cuộc đời ngoại hy sinh vì chồng con.
Ông tôi ra đi khi ngoại 36 tuổi để lại bà một mình chèo chống nuôi bốn người con trưởng thành, dựng vợ gả chồng, khi dì út tôi lập gia đình thì chỉ còn lại một mình bà trong căn nhà đầy hiu quạnh. Năm tôi mười tuổi, sau một lần làm ăn thất bại, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, cả nhà phải dắt díu về sống cùng ngoại. Tuổi thơ tôi sống trong sự chỉ bảo dịu dàng mà nghiêm khắc của ngoại. Mùa hè nắng ấm qua đi, rồi cũng đến lúc trời lập đông.
Nhà nghèo không đủ áo ấm, những đêm đông lạnh, ba mẹ đi làm nơi xa, chỉ có mấy bà cháu. Ngoại lom khom đi lấy củi nhóm bếp - những cành củi ngoại tranh thủ lượm lặt lúc rảnh rỗi. Bên bếp lửa đỏ hồng, ngoại bắt mấy chị em tôi ngồi quanh. Ngoại hơ tay, hơ ngực và cả đầu cho từng đứa, vậy mà cũng thật ấm áp qua hết mùa đông.
Thấm thoát mà đã mấy năm kể từ ngày ngoại mất. Dẫu biết rằng tôi đã xa ngoại mãi mãi, nhưng thời gian và khoảng cách vẫn không xóa nhòa được những kỷ niệm ngọt ngào. Chiều nay trong cái lạnh tê tái của gió mùa đông bắc, ước gì lại được nhìn thấy bóng ngoại lụi cụi ngồi lặt từng chiếc lá lốt, ước gì lại được thưởng thức món canh ấm lòng được chế biến từ bàn tay ngoại.
Phan Thị Thanh Ly