1. Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai. Chương trình hướng tới mục đích:
- Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.
- Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô.
- Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
- Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Uy tín chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Quý Thanh, TGĐ Tập đoàn THP tham dự tọa đàm “Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng.” |
2. Ba đặc điểm chính của Chương trình:
- Biểu trưng THQG, đồng thời là Nhãn sản phẩm quốc gia có tựa đề tiếng Anh là Vietnam Value (Giá trị Việt Nam), được gắn vào các sản phẩm đã có thương hiệu riêng, đạt được các tiêu chí do Chương trình quy định. Các thương hiệu trên phải cùng chia sẻ và theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay: Uy tín chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.
- Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
- Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đủ tiêu chuẩn gắn biểu trưng THQG chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình.
3. Chương trình gồm hai nội dung chính:
- Thứ nhất: Giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu;
- Thứ hai: Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam tham gia chương trình. Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng các chương trình hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, hướng tới ba giá trị cốt lõi “Uy tín chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” và quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước và thế giới tới các đối tượng mục tiêu.
4. Tham gia và đồng hành cùng Chương trình THQG, các doanh nghiệp được hưởng một số quyền lợi như hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị thương hiệu, truyền thông quảng bá và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước. Đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm tự hoàn thiện, quyết tâm xây dựng và triển khai chương trình hành động của doanh nghiệp theo những giá trị mà quốc gia đang hướng tới. Hai năm một lần, các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được Chương trình đánh giá lại. Chỉ những thương hiệu đáp ứng đủ tiêu chí mới được tiếp tục tham gia Chương trình. Các đơn vị vi phạm các tiêu chí, quy định của Chương trình sẽ không được tiếp tục tham gia.
PV