Mở lớp dạy nghề buổi tối cho đồng bào Kor ở Trà Bồng

Những năm qua, hoạt động dạy nghề đã, đang từng bước góp phần thay đổi cuộc sống vùng đồng bào dân tộc. Tại Quảng Ngãi, do đặc thù kinh tế, nhiều đồng bào Kor ở Trà Bồng không thể đến lớp vào ban ngày nên Trung tâm dạy nghề huyện đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề ban đêm. Các giáo viên về tận thôn xóm để dạy nghề cho đồng bào Kor.

Lớp dạy nghề kĩ thuật trồng keo của Trung tâm dạy nghề Trà Bồng đợt này có 32 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Sau một ngày lao động mệt nhọc trên nương rẫy nhưng mọi người vẫn cố gắng đến lớp đầy đủ. Phương pháp, quy trình trồng keo được các giáo viên hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, dụng cụ thực hành được chuẩn bị đầy đủ, hỗ trợ cho buổi học. Không khí lớp học sôi nổi hơn khi được cô giáo hướng dẫn thực hành theo nhóm.

Chị Trần Thị Sang, giáo viên Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng chia sẻ: ban ngày bà con phải đi làm đồng áng, nương rẫy, nên ban đêm là thời điểm thích hợp để bà con đến lớp đông đủ hơn, vì vậy chúng tôi quyết định tổ chức các lớp dạy nghề vào ban đêm để thu hút học viên. Tuy nhiên, do phải đi đến các điểm thôn, xã xa nên nhiều lúc giáo viên chúng tôi phải ngủ lại nhà dân.

Hai năm qua, Trung tâm dạy nghề Trà Bồng đã tổ chức hơn 20 lớp dạy nghề cho hàng trăm người đồng bào Kor. Phương pháp kĩ thuật trồng rừng keo, hoa màu, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm được giao viên hướng dẫn cụ thể. Nhờ đó, những kiến thức từ lớp học được bà con áp dụng hiệu quả hơn. Anh Hồ Văn Tuấn, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng cho biết: Hồi xưa trồng rừng theo kinh nghiệm của cha ông nhưng khi được học nghề xong thì mình thực hành đúng kĩ thuật, nhờ đó mà tỉ lệ cây sống cao, phát triển tốt.

Với phương thức "cầm tay chỉ việc", qua các lớp dạy nghề, đã có nhiều bà con dân tộc thiểu số biết áp dụng kiến thức đã học vào hoạt động sản xuất của gia đình. Về mặt xã hội, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số không những tác động tích cực đến việc giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Ðối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của huyện, chúng tôi vận dụng phương pháp "cấp gì dạy nấy", cấp cây trồng, vật nuôi rồi tổ chức luôn lớp hướng dẫn thực hiện, nhờ vậy mà đạt hiệu quả rất cao.


Các lớp dạy nghề ban đêm cho đồng bào Kor ở Trà Bồng là rất thiết thực với điều kiện của người dân nới đây. Những nghề đào tạo cũng rất sát và phù hợp với thực tế của người dân. Những năm qua đã có hàng trăm lao động là con em đồng bào Kor trên địa bàn huyện được học nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.


Đinh Thị Hương
Đổi thay cuộc sống đồng bào dân tộc Bác Ái

Sau 5 năm triển khai thực hiện (2009-2013) Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Chương trình 30a), huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có nhiều khởi sắc rõ nét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN