Những chiếc máy cắt cỏ chính là vũ khí lợi hại của Mianma trong cuộc chiến mới chống ma túy. Đến vùng thung lũng xa xôi ở bang Shan những ngày này, ta sẽ bắt gặp hình ảnh lực lượng cảnh sát Mianma đang cho máy cắt cỏ chạy qua những cánh đồng trồng hoa anh túc (cây thuốc phiện) và đốn gục các thân cây.
Một cánh đồng trồng cây thuốc phiện ở Mianma. |
Văn phòng Ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC) ước tính trong năm 2011 có khoảng 610 tấn thuốc phiện được sản xuất từ Mianma. Quốc gia này đã trở thành nơi cung cấp thuốc phiện lớn thứ hai trên thế giới, sau Ápganixtan. Tại Mianma, diện tích trồng hoa anh túc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Trước thực trạng này, chính phủ Mianma cách đây một năm đã đẩy mạnh chiến dịch triệt phá cây thuốc phiện trong nỗ lực nhằm đưa nước này thoát khỏi "vị trí" là một trong những nhà sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới. Song song với chiến dịch này, Mianma cũng kêu gọi quốc tế tài trợ nửa tỉ USD cho chương trình giúp 256.000 hộ gia đình ở trong nước bỏ trồng cây thuốc phiện trong ba năm tới.
"Mỗi năm, cộng đồng quốc tế chi hàng triệu USD vào các sáng kiến phòng chống ma túy ở những quốc gia như Ápganixtan và Côlômbia. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Tại Mianma, với sự trợ giúp của quốc tế, chúng tôi đảm bảo sẽ tiễu trừ tận gốc rễ vấn nạn trồng cây thuốc phiện từ nay cho đến năm 2014" - ông Sit Aye, một quan chức chính phủ Mianma, cho biết.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, đây quả là một mục tiêu "đầy tham vọng". Ủy ban Kiểm soát Lạm dụng Ma túy (CCDAC) của Mianma cho biết, với những chiếc máy cắt cỏ, cảnh sát, binh sĩ và người dân Mianma đã phá hủy được khoảng 21.256 ha trồng cây thuốc phiện kể từ tháng 9 năm ngoái, tăng hơn ba lần diện tích trồng cây thuốc phiện bị triệt phá trong mùa trước. Nếu tính toán dựa trên các số liệu của UNODC, "thành tích" này sẽ ngăn chặn được khoảng 30 tấn hêrôin xâm nhập vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số lượng không nhỏ cây thuốc phiện đã được thu hoạch trước khi các cánh đồng trồng chúng bị phá hủy và trong tương lai sẽ có thêm những cây thuốc phiện được trồng mới. UNODC ước tính, tổng diện tích trồng cây thuốc phiện sẽ tăng khoảng 10% trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2012.
Dùng máy cắt cỏ đốn hạ các cây thuốc phiện là việc làm dễ dàng. Giúp các gia đình nghèo khó sống nhờ vào hoạt động trồng cây thuốc phiện mới phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Đây có thể được xem là một thử thách khó khăn đối với nỗ lực tiễu trừ tận gốc rễ vấn nạn sản xuất ma túy ở Mianma.
Nếu như ở Ápganixtan, trồng cây thuốc phiện là hoạt động canh tác nông nghiệp bất hợp pháp thì tại Mianma, có nhiều hộ nông dân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc trồng cây thuốc phiện để kiếm kế sinh nhai. Theo UNODC, sản lượng cây thuốc phiện trên một mẫu Anh (0,4 ha) trị giá khoảng 1.000 USD - số tiền không nhỏ ở Mianma, nơi 1/3 trong tổng số 60 triệu dân có mức thu nhập 1 USD/ngày. Quan chức phụ trách Mianma của UNODC, ông Jason Eligh, khẳng định: "Hoạt động mạnh mẽ triệt phá cây thuốc phiện sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho những hộ gia đình này". Trong khi đó, các cây trồng thay thế cây thuốc phiện lại không thể được canh tác cho tới mùa mưa, vào tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm. "Nếu những hộ gia đình này không được trợ giúp để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, họ sẽ rất có nguy cơ quay trở lại trồng cây thuốc phiện".
Một trong những vấn đề cấp bách nhằm hoàn thành mục tiêu tiễu trừ tận gốc rễ vấn nạn trồng cây thuốc phiện vào năm 2014 của Mianma, theo CCDAC, là sự trợ giúp tài chính của quốc tế nhằm triển khai các vụ mùa thay thế cây thuốc phiện. "Thiếu sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi không thể biến mục tiêu trên thành hiện thực" - Giám đốc CCDAC, ông Tin Maung Maung, khẳng định.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)