Cảnh sát Tây Ban Nha đã xây dựng được một “đội quân” hùng hậu hơn nửa triệu người hỗ trợ đắc lực cho lực lượng này trong việc truy lùng và bắt giữ tội phạm. “Đội quân” đó chính là những “người theo dõi” (nhóm người cập nhật những thông tin mới nhất, còn gọi là “follower”) tài khoản trên trang mạng xã hội Twitter của cảnh sát.
Người quản lý các trang mạng xã hội của cảnh sát Tây Ban Nha tại phòng làm việc ở thủ đô Mađrít. Ảnh: AFP-TTXVN |
Mục đích ban đầu của cảnh sát Tây Ban Nha khi mở tài khoản Twitter năm 2009 chỉ là nhằm giao tiếp với giới truyền thông. Tuy nhiên, lượng “người theo dõi” đã bùng nổ sau khi một quan chức trong ngành yêu cầu phát triển nội dung trên tài khoản nhằm thu hút công chúng. Hiện nay, số lượng “người theo dõi” của tài khoản đã lên tới gần 500.400 người, chỉ đứng sau tài khoản của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) với hơn 618.000 “người theo dõi”. Bên cạnh đó, với nội dung ngắn gọn, hài hước cùng ngôn ngữ dí dỏm, những tin nhắn của cảnh sát trở nên nhẹ nhàng mà không khô khan.
Ngoài việc cảnh báo người dân về những trò lừa đảo mới, cảnh sát còn qua Twitter gửi thông điệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của người dân trong việc tìm kiếm thông tin về tội phạm bằng cách gửi thư điện tử ẩn danh đến địa chỉ thư điện tử của cảnh sát. Trong một số trường hợp, những tin nhắn truy tìm tung tích tội phạm đã được những “người theo dõi” chia sẻ lại đến hàng nghìn lần, cho thấy công chúng đặc biệt quan tâm đến việc chống tội phạm.
Twitter là mạng xã hội cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là “tweet”. Những mẩu “tweet” có giới hạn tối đa 140 ký tự được lan truyền nhanh chóng trong phạm vi nhóm bạn (người theo dõi) của người nhắn hoặc có thể được đăng rộng rãi cho mọi người. Thành lập từ năm 2006, Twitter đã trở thành một hiện tượng phố biến toàn cầu. Những “tweet” có thể chỉ là dòng tin vặt cá nhân cho đến những cập nhật thời sự tại chỗ kịp thời và nhanh chóng. |
Cảnh sát Tây Ban Nha xác nhận đã bắt được 300 tên buôn lậu ma túy từ tháng 1/2012 nhờ sự trợ giúp thông tin từ những người sử dụng Twitter. Tin nhắn của cảnh sát đã được chia sẻ hơn 10.000 lần vào ngày 1/7/2012, thời điểm Tây Ban Nha tổ chức ăn mừng chức vô địch cúp bóng đá châu Âu có nội dung kêu gọi người dân hỗ trợ dập đám cháy phía đông thị trấn Carlet.
Không chỉ trợ giúp cảnh sát truy tìm tội phạm, “người theo dõi” cũng thu được nhiều lợi ích khi đều đặn tiếp nhận thông tin từ cảnh sát về những mánh khóe lừa gạt mới và cảnh báo về những trang mạng có hình ảnh đồi trụy.
Ông Carlos Fernandez Guerra, người quản lý các trang mạng xã hội của cảnh sát Tây Ban Nha, cho biết hiện đã có đại diện của cảnh sát các nước Mỹ Latinh, Hàn Quốc, Tuynidi và Marốc đã đến Tây Ban Nha để học hỏi kinh nghiệm trên.
Nhóm của ông Guerra gồm 6 cảnh sát trẻ có bằng cử nhân các ngành như tâm lý và xã hội học. Ngoài việc viết các tin nhắn, nhóm còn trả lời hàng trăm câu hỏi của người dân gửi đến cảnh sát qua Twitter. Phần lớn câu hỏi là của các bậc phụ huynh muốn được tư vấn về sự an toàn của con cái họ hoặc câu hỏi về tội phạm trên Internet là gì. Elisa Rebolo, một thành viên 32 tuổi của đội tâm sự: “Tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội là cách nhanh nhất đối với người dân so với việc gọi điện hoặc trực tiếp đến đồn cảnh sát”.
Hà Linh (theo AFP)