Theo tư vấn của BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh), Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Với em bé bú sữa mẹ hoàn toàn mà lên cân tốt thì sẽ cho bé ăn dặm lúc tròn 6 tháng tuổi. Như vậy giúp trẻ tận dụng được nguồn sữa mẹ, tránh tiếp xúc với nguồn thức ăn bên ngoài có nguy cơ nhiễm khuẩn và gây dị ứng cao.
Tuy nhiên, với những bé không bú mẹ hoàn toàn thì có thể cho ăn dặm trong khoảng 17 - 26 tuần tuổi, tùy thuộc mức độ lên cân của bé (khi tốc độ lên cân giảm là lúc cần ăn dặm).
Việc cho bé ăn dặm nhằm cung cấp thức ăn đặc hơn, có nhiều đạm, có tinh bột, có nhiều chất sắt để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé ở giai đoạn này.
Trong giai đoạn tập cho bé ăn dặm, nên kết hợp sử dụng sữa bột với bột mặn được chế biến phù hợp với lứa tuổi và trái cây tán nhuyễn. Lúc trẻ khoảng 9 tháng trở đi, mới nên cho trẻ dùng các chế phẩm làm từ sữa tươi như sữa chua, váng sữa, phomai... Tuy nhiên, nên sử dụng các chế phẩm từ sữa tươi với số lượng hạn chế để thay đổi khẩu vị chứ không được thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ hay sữa công thức.
MBT