Nội dung sửa đổi Luật Hải quan lần này được đánh giá sẽ có tác động lớn không chỉ riêng trong ngành hải quan mà còn đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói riêng.
Hiện đại hóa hải quan
Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong những năm tới, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập của nền kinh tế đất nước, kim ngạch XNK của Việt Nam sẽ tăng nhanh. Do đó, thủ tục thông quan hàng hóa XNK của ngành hải quan phải có những thay đổi cơ bản. Luật Hải quan hiện hành dù đã được sửa đổi bổ sung năm 2005 để tạo tiền cho việc áp dụng hải quan điện tử song mức độ áp dụng chưa rộng rãi.
Hải quan Hải Phòng sử dụng hệ thống máy soi kiểm tra container. Hoàng Hùng - TTXVN |
Luật Hải quan sửa đổi nhằm thực hiện một số mục tiêu: Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, thống nhất, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải. Thứ hai là tăng cường công tác hiện đại hóa hải quan; áp dụng đầy đủ phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan. Thứ ba là tiếp tục luật hóa theo các chuẩn mực và cam kết quốc tế về hải quan mà Việt Nam đã ký kết; bước đầu tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan theo cơ chế một cửa quốc gia. Mục tiêu nữa là nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành hải quan. Và cuối cùng là hướng tới việc tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan.
Do đó, sự thay đổi cơ bản là thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử, còn việc thực hiện theo phương thức truyền thống chỉ trong một số trường hợp, ví dụ: hàng cư dân biên giới, hàng nhỏ lẻ của khách du lịch hoặc tại những địa bàn chưa có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
“Để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan điện tử và sắp tới là thực hiện hệ thống tự động VNACSS/VCIS, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định về thông tin hải quan, chuẩn hóa các quy định về hồ sơ hải quan, làm rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của công chức hải quan, cơ quan hải quan; nghĩa vụ, quyền lợi của người khai hải quan”, ông Vũ Ngọc Anh cho biết.
Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”
Một điểm mới đáng chú ý là hàng hóa của doanh nghiệp mặc dù đã được thông quan nhưng sau đó cơ quan hải quan vẫn có thể tiến hành hậu kiểm. Đây cũng là vấn đề đang được nhiều DN thắc mắc.
Bà Phùng Thị Bích Hường - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Tổng cục Hải quan lý giải: Kiểm tra sau thông quan xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo điều kiện thuận lợi cho DN có điều kiện đưa nhanh hàng hóa vào sản xuất, lưu thông trên cơ sở tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong quản lý hải quan, ngăn chặn gian lận thương mại. Việc thông quan hàng hóa chủ yếu dựa trên cơ sở tự khai, tự xác định trách nhiệm pháp lý của DN. Căn cứ theo các quy định pháp lý hiện hành, cơ quan hải quan thực hiện việc hướng dẫn và kiểm soát việc thực hiện quy định của người khai hải quan.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng khẳn định: Hầu hết hải quan các nước đều áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để thực hiện hoạt động kiểm soát này. Hoạt động kiểm tra sau thông quan là một hoạt động nghiệp vụ kiểm tra cần thiết nhằm bảo đảm yêu cầu kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động XNK. Quá trình thông quan được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Vì vậy, luật sửa đổi đã bổ sung đầy đủ các quy định về kiểm tra sau thông quan như: Quy định rõ mục đích, các trường hợp, địa điểm tiến hành kiểm tra sau thông quan; quyền và nghĩa vụ của cơ quan hải quan, của người khai hải quan khi thực hiện kiểm tra sau thông quan. Việc kiểm tra sau thông quan vẫn được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, thời gian kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Minh Phương