Những ngày gần đây, vụ “đầu độc” môi trường của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị phát giác đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cả nước và được đặt lên bàn nghị sự của phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều dư luận day dứt là việc gây ô nhiễm môi trường, coi thường tính mạng, sức khỏe người dân của công ty này diễn ra trong một thời gian khá dài, nhưng chỉ bị phát hiện bởi người dân với sự tiếp sức của báo chí.
Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết vụ việc sẽ được xử lý nghiêm nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân. Giám đốc Công ty Nicotex Thanh Thái, ông Nguyễn Đình Thống cũng đã có lời “xin lỗi chính quyền và nhân dân Thanh Hóa…”, đồng thời xin nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả.
Dù vụ việc bước đầu đã được xử lý, nhưng hậu quả của nó để lại chắc chắn không thể giải quyết một sớm một chiều. Cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể thống kê có bao nhiêu thùng phuy hóa chất độc hại chôn xuống lòng đất; cũng chưa có cơ quan nào trình phương án xử lý môi trường một cách khoa học; dù đó là việc làm cấp bách nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và hạn chế thấp nhất sự phát tán chất độc hại ra môi trường.
Vì vậy, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, có hay không sự bao che hay buông lỏng quản lý của các cơ quan liên quan? Vấn đề được nhiều người quan tâm là tại sao vụ việc kéo dài đã nhiều năm, các cơ quan chức năng lại không phát hiện ra, mặc dù nhân dân đã nhiều lần cảnh báo và kiến nghị? Liệu có sự bảo kê, thờ ơ cho sai phạm cần phải được làm rõ và phải quy trách nhiệm rõ ràng. Vụ việc chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ, nhưng bước đầu đã cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là chính quyền và cơ quan quản lý về môi trường của địa phương hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu sự kiểm tra thường xuyên, sâu sát. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin, kiến nghị và khiếu nại của người dân, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương chưa thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời…
Theo người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy), xã Yên Lâm (huyện Yên định), qua 15 năm sống trong môi trường bị đầu độc, đã có hàng trăm người dân trong vùng mắc các chứng bệnh về hô hấp, ung thư... nhiều người đã chết vì các căn bệnh trên, trong đó nhiều người tuổi đời còn trẻ; nhiều gia đình sinh con bị tật nguyền, dị dạng… Đáng lo ngại hơn là tình trạng ô nhiễm về đất và nguồn nước do sự phát tán, xâm nhập của các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong quá trình chôn lấp sẽ còn gây tác động lâu dài, hủy hoại môi trường sống của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.