Dù đã là một thanh niên sắp lập gia đình nhưng kỉ niệm tuổi thơ đôi khi vẫn hiện về trong tâm trí tôi, đặc biệt là những kỉ niệm về ngày thơ bé lớn lên trong lời ru của bà ngoại.
Tôi sinh ra khi đất nước đã qua thời bao cấp nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Những hình ảnh, câu chuyện về một thời tem phiếu tôi chỉ được biết qua lời kể của bà, của mẹ. Bà vẫn thường kể chuyện khi xưa, bà là công nhân nhà máy pin, một mình nuôi mẹ và cậu trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, bom Mỹ trút đêm ngày. Ba mẹ con phải chia nhau từng hạt gạo, củ khoai để sống. Khi đi sơ tán, mẹ và cậu phải theo các cụ chạy về tận vùng Thanh Oai, Chương Mỹ, còn bà ở lại Thủ đô bám trụ sản xuất.
Thế rồi mẹ và cậu cũng lớn lên, được bà dựng vợ gả chồng. Khi sinh ra tôi, vì nhà nghèo, mẹ phải gửi tôi để bà ngoại trông giúp, còn mình đi làm. Cậu đi học xa, chỉ có hai bà cháu ở nhà. Tôi đã lớn lên trong sự chăm sóc của bà, với món cơm ruốc và bằng những lời ru giữa trưa hè: “À ơi, cái cò mày đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng…”. Quả thực, nếu không có những lời ru của bà, tuổi thơ tôi đã mất đi một điều vô cùng đáng quý.
Cảm giác trưa hè nóng bức, nằm dưới nền nhà gạch, được mát da mát thịt bởi những làn gió từ chiếc quạt nan của bà, lại mát lòng mát ruột bởi những lời ru dù đã rất lâu rồi không có lại nhưng tôi vẫn không thể nào quên được. Thế mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu thơ được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường: “Ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Ngày đó tôi nhỏ thó, người quắt queo vì bị suy dinh dưỡng. Nhỏ đến nỗi, trong một lần bà khóa cửa đi chợ, khi về mới biết bỏ quên chìa khóa trong nhà, bà đã bế tôi bỏ lọt qua song sắt của cửa sổ để vào đầu giường lấy cho bà chiếc chìa khóa. Câu chuyện ấy là điều mà bà nhớ nhất về tôi. Bà vẫn thường kể nó với mọi người, như một “chiến tích vĩ đại” của đứa cháu ngoại. Bà bảo, hồi đó tôi chỉ mới 2-3 tuổi. Nếu như là những đứa trẻ khác, khi bỏ vào trong nó khóc ầm lên thì bà sẽ không biết phải xử lý thế nào. Nhưng đằng này, tôi lại làm rất nhanh, rất gọn “nhiệm vụ” mà bà giao phó. Bởi thế mà sau này, trong gia đình, bà rất tự hào về tôi và luôn dành cho tôi một tình cảm đặc biệt.
Lớn lên một chút, tôi đi học cấp 1. Thấy bà có chiếc tivi đen trắng đã cũ kĩ, tôi hồn nhiên nói với bà, sau này đi làm có tiền, cháu sẽ mua tặng bà một chiếc tivi màu. Hồi đó, gia đình nào có chiếc tivi đen trắng đã là “oai” lắm rồi. Nếu có tivi màu nữa thì sang phải biết. Năm tháng trôi đi, mấy năm sau bà cũng tiết kiệm được tiền để mua một chiếc tivi màu hiệu JVC 14 inch với giá tận 2 chỉ vàng. Rồi sau đó, cậu cũng thay cho bà mấy chiếc tivi khác nữa, to hơn, hiện đại hơn. Có lẽ vì thế mà bà đã quên lời hứa của đứa cháu ngoại ngày nào. Nhưng với tôi, không lúc nào tôi quên lời hứa đó.
Và gần 20 năm sau, lời hứa đã được thực hiện. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có một công việc với mức lương khá ổn định. Mùng 1 Tết năm ngoái, tôi để một số tiền trong chiếc phong bao lì xì để mừng tuổi bà. Số tiền không nhiều, đủ để bà mua một chiếc tivi mới ở thời điểm đó. Nhưng vì nhà đã có tivi rồi nên tôi muốn bà có thể sử dụng số tiền ấy vào việc khác. Bà xúc động nhận tấm lòng của tôi và nói: “Cháu ngoan”, không quên khoe với mẹ và cậu.
Giờ đây, cuộc sống đã đủ đầy hơn xưa rất nhiều. Chiếc tivi màu không còn là điều mà mỗi gia đình phải ao ước. Nhưng cuộc sống càng đủ đầy thì tôi càng trân trọng những ngày tháng tuổi thơ lam lũ, nghèo khó được lớn lên với sự nuôi dạy của bà. Nhịp sống hiện đại quá bận rộn, hối hả. Nó cuốn con người ta vào guồng quay của nó và khó có thể tách ra được. Tôi không có nhiều thời gian để đến thăm bà, có khi mấy tuần, có khi cả tháng mới đến thăm bà một lần. Mỗi lần gặp, nhìn bà lại già thêm đi, bệnh tật cũng nhiều hơn. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình sẽ phải sống tốt hơn nữa, yêu bà nhiều hơn để báo đáp công ơn cũng như để bà có thêm niềm vui khi tuổi già bóng xế.
Dương Nam Hoàng Xóm 4, Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội