Từ lâu, công tác liên kết trong sản xuất lúa gạo được xem như đáp số cho bài toán nâng cao giá trị hạt gạo. Đầu năm 2014, đã có những tín hiệu vui khi việc liên kết được các ngành chức năng quan tâm, rốt ráo triển khai.
Sản lượng cao, chất lượng thấp
PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực Nam Bộ Trung tâm khuyến nông quốc gia, cho biết: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới nhưng gạo Việt Nam lại chưa có thương hiệu. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu. Còn nông dân không nắm được thông tin nên thường chọn giống sản xuất theo cảm tính, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Quy mô sản xuất lúa gạo vẫn còn manh mún, quy trình canh tác mỗi hộ một kiểu, có quá nhiều giống nhưng không có giống nào đột phá, sản lượng làm ra nhiều nhưng chất lượng thấp…
Sản xuất manh mún là nguyên nhân chính làm cho ngành lúa gạo thiếu bền vững. |
Là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu cả nước, nhưng việc liên kết sản xuất lúa của Kiên Giang chưa được triển khai một cách thấu đáo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 22 cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 3.000 ha nhưng công tác liên kết chỉ tốt ở khâu đầu vào, mà chưa có doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân. “Chúng tôi đã quy hoạch 100.000 ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và mỗi năm, toàn tỉnh xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, việc liên kết cùng hỗ trợ sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông chưa chặt chẽ”, ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhận xét.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất lúa bình quân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt mức cao nhất nước với mức 1,3 ha/hộ. Tuy nhiên, quy mô sản xuất như vậy vẫn nhỏ, gây khó khăn cho công tác cơ giới hóa để hướng đến sự đồng đều của chất lượng nông sản. Chính vì không có tính liên kết chặt chẽ giữa các khâu nên việc kiểm soát chất lượng lúa gạo trở thành bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu “hạt ngọc” Việt Nam. Trong chuỗi giá trị sản xuất lúa hiện còn tồn tại quá nhiều thành phần tham gia và mạnh ai nấy “bơi” mà thiếu vắng vai trò “nhạc trưởng” trong việc kết nối. “Trong các mối liên kết, trước hết nông dân và doanh nghiệp phải tin tưởng lẫn nhau, cùng bắt tay liên kết một cách tích cực tiến đến sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng. Đây chính là lối thoát, chìa khóa chính mở nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của ngành lúa gạo”, ông Phụng nói thêm.
Các bên nhập cuộc
Ngay từ đầu năm, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cùng đại diện 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo. Theo đó, 13 tỉnh thành sẽ xây dựng 13 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô từ 500 - 1.000 ha và có thể mở rộng thêm theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài việc quy hoạch vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp các tỉnh còn giúp nhà nông tổ chức lại sản xuất, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp…
“Hiệp hội sẽ đại diện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đảm trách cung ứng vật tư đầu vào, đặt hàng nông dân giống lúa cần cho xuất khẩu và cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tổ chức lại hệ thống thu mua, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Riêng Cục Trồng trọt sẽ đảm nhiệm việc kiểm tra quy trình sản xuất, phối hợp với các bên xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho hay.
Trong động thái mới nhất, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn VFA xây dựng đề án cụ thể về việc thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu lúa gạo sẽ sử dụng nguồn vốn trích từ giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp, hoạt động theo quy chế do Bộ Tài chính quản lý, người hưởng lợi chính là nông dân, doanh nghiệp, khi gặp thua lỗ do thiên tai, biến động thị trường. Như vậy, người nông dân chân lấm tay bùn vốn chịu nhiều thua thiệt sẽ có cơ hội được hưởng lợi cao, qua đó khuyến khích phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa