Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc: Tạo động lực phát triển kinh tế

Năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc”. Với chủ đề này, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả liên kết trong phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng Tây Bắc.

 

Vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Chiếm 1/3 diện tích cả nước với gần 11 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

 

Không gian văn hóa rộng lớn, phong phú vùng Tây Bắc là một tiền đề cho phát triển du lịch. Viết Tôn

Bên cạnh đó, vùng Tây Bắc còn có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Chưa phát huy lợi thế


Đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên, đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc hôm nay có những khởi sắc mới. Tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2005 - 2012 đạt 11,16%/năm, năm 2013 đạt 9,4%; cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Xu thế giá trị gia tăng qua các năm giảm ở ngành nông, lâm nghiệp, tăng ở ngành công nghiệp - xây dựng, tăng mạnh ngành dịch vụ, du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 4%, đến cuối năm 2013 còn 22,5%. Bản sắc văn hóa truyền thống trong vùng được bảo tồn, tôn tạo và phát huy...


Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn là vùng nghèo nhất trong cả nước, khoảng cách về thu nhập của vùng so với các vùng khác chưa được thu hẹp. Các địa phương trong vùng hầu hết chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu vững chắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kém. Đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

 

Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của toàn quốc. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.028 tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách 97.944 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tây Bắc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc - là những rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội. Liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển, trước hết là cho các lĩnh vực phát triển vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản; liên kết kinh tế giữa các khâu (sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm); giữa các yếu tố (đất đai, sức lao động, vốn đầu tư, công nghệ); giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước... hiệu quả chưa cao.

 

Nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. Rừng vốn là nguồn tài nguyên cơ bản, tuy tỷ lệ che phủ tăng, nhưng chất lượng rừng nhìn chung còn thấp, lợi ích đem lại cho chủ rừng không cao và thiếu bền vững. Tình trạng lấn chiếm, phá rừng vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng còn nhiều bất cập. Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và đầu tư các dự án thủy điện, lợi ích đem lại cho cư dân sở tại chưa nhiều nhưng đã xuất hiện những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường thiên nhiên và điều kiện sinh sống. Thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu hiệu quả chưa cao. Tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa... chưa được đầu tư, khai thác tốt.


Hai tăng cường, ba đột phá


Xuất phát từ vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược và tiềm năng, thế mạnh của vùng, hàng năm, Ban Chỉ đạo đều xác định nhiệm vụ trọng tâm, chủ đề công tác của năm cần tập trung thực hiện nhằm góp phần phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Bắc.


Từ năm 2009, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tập trung thực hiện: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, xây dựng hệ thống chính trị, các chương trình, dự án trên địa bàn; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách. Trong đó tập trung vào những khâu đột phá: Phát triển mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.


Việc xác định chủ đề công tác hàng năm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo. Qua các chủ đề công tác trọng tâm, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá, từ đó có cơ sở đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trên nhiều lĩnh vực mang tính chuyên sâu, chuyên đề về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị. Điểm lại, năm 2011, với chủ đề “Củng cố hệ thống chính trị cơ sở”, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ Đề án “Tăng cường cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc”.


Năm 2012, với chủ đề “Phát triển giao thông vùng Tây Bắc”, Ban đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh các mục tiêu lâu dài, chiến lược các hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tuần tra biên giới, đường giao thông nông thôn được đẩy nhanh tiến độ, có nhiều giải pháp, cơ chế đầu tư được các địa phương triển khai có hiệu quả.


Năm 2013, với chủ đề “Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội”, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với một số bộ, ngành trung ương, địa phương tổ chức thành công hai hội nghị: Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc tại tỉnh Tuyên Quang và Hội nghị chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” tại tỉnh Phú Thọ. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, các doanh nghiệp, địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là đối với việc cam kết ủng hộ, giúp đỡ các tỉnh trong vùng thực hiện xóa nhà dột nát, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.


Đặt dấu mốc cho sự phát triển


Năm 2014, đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ban đã lựa chọn và xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc”. Cũng trong năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đăng cai tổ chức hội nghị giao ban các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để cụ thể hóa nội dung liên kết vùng trong phát triển du lịch.


Liên kết là xu hướng phát triển tất yếu trong phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch, liên kết sẽ làm nổi bật và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.


Tây Bắc là vùng có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và phong phú. Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc rất đặc trưng, có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú; quê hương của những điệu xòe; miền đất dịu ngọt của những điệu hát then, hát lượn; nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội, phong cảnh đẹp, như: Điện Biên Phủ (Điện Biên); Đền Hùng (Phú Thọ); Tân Trào (Tuyên Quang); Pắc Bó (Cao Bằng); khu nghỉ mát Sa Pa, khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn (Lào Cai); hồ Thác Bà (Yên Bái); khu nghỉ mát Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An); suối khoáng Kim Bôi (Hòa Bình); Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Hà Giang...


Phát triển du lịch vùng Tây Bắc có những nét đặc thù riêng so với các vùng, miền khác trong cả nước, đòi hỏi sự liên kết, hợp tác du lịch giữa Tây Bắc với cả nước và quốc tế. Phát triển du lịch gắn với làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống phù hợp với bản sắc văn hóa của từng địa phương sẽ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và đầu ra của sản phẩm cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Thực tế hiện nay, phát triển du lịch vùng Tây Bắc chưa tương xứng với tiềm năng, đang gặp nhiều lực cản, nổi bật là khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư, mức đầu tư thấp, hiệu quả phát triển loại hình du lịch cộng đồng chưa cao… Du lịch Tây Bắc mới trong giai đoạn đầu phát triển nên rất cần định hướng quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, nhất là sự hỗ trợ liên kết, kêu gọi đầu tư hạ tầng để tạo đà cho kinh tế phát triển.


Từ năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường công tác phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp liên kết phát triển bền vững du lịch vùng Tây Bắc. Đồng thời tổ chức các hoạt động, diễn đàn kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch Tây bắc. Tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch mời gọi du khách đến với Tây Bắc gắn với tổ chức kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).


Ban Chỉ đạo Tây Bắc tin tưởng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, du lịch Tây Bắc sẽ phát triển bền vững, góp phần xây dựng Tây Bắc thành “Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc”.

 

TS. Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN