Lễ hội Then- linh hồn của người Thái trắng

Dòng Nậm Na ngàn đời vẫn chảy. Suối Nậm So vẫn oằn gánh nặng phù sa… Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Lai Châu những điều kiện thuận lợi, để tổ tiên chọn lập bản dựng Mường. Người Thái trắng với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó đã chinh phục tự nhiên, kiến tạo mảnh đất này phồn thịnh và trù phú. Và lễ hội Then chính là linh hồn của họ.

Qua bao sự thăng trầm biến cố của lịch sử dân tộc, người Thái đã đúc kết được cả một kho tàng văn hóa văn nghệ vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Thể hiện sự trường tồn qua thời gian với ý nghĩa tâm linh to lớn là Lễ hội Then (Then Kin Pang) – Nó được ví như linh hồn sống của người Thái trắng ở khu vực Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Cầu mùa bội thu

Khi những cơn mưa cuối xuân, đầu hạ về; lúa trên đồng đang thì trổ bông; hoa Pó mạ nở vàng khắp các triền đồi, ven bờ suối thì người dân nơi đây lại nô nức đi trẩy hội Kin Pang Then. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm vào trung tuần tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết của dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Pô Phà (Vua trời) là Then. Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy Vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Đây cũng là ngày các Lụ liệng - Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Các bản tổ chức biểu diễn văn nghệ trong Lễ hội Kin Pang Then.


Bàn thờ Then được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc. Hoa Pó mạ là thứ lễ vật chủ đạo. Vì loài hoa này được xem là biểu tượng của Kin Pang Then – có hoa Pó mạ mới có ngày Hội Then.

Người Thái có câu:

Bó pục púng Then cả
Bó mạ púng Then sương
(Hoa bưởi nở Then sướng
Hoa Pó mạ nở Then vui).

Ngoài ra, trên bàn thờ còn có con én gấp bằng giấy màu, đàn tính tẩu, quả còn; trên mâm có một con lợn, một con gà luộc để nguyên con, xôi nếp, rượu, nước... Các lễ vật cúng đã thể hiện sự đầy đủ của vạn vật cỏ cây hoa lá, để báo hiệu một năm mới no đủ, tươi mới đã về.

Ngoài ra, Kin Pang Then bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường; tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường. Đây là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Thái nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Lời diễn xướng mê đắm

Người đến với lễ hội, đều tâm niệm thắp một nén hương lên bàn thờ Then để cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc. Các gia đình có người chết, cũng dâng các lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Điệu múa "Quét hoa tàn" của Then và Sao Chẩu vui đùa cùng trời và các thần linh.

Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao Chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng để hầu hạ các vị thần xuống trần gian vui chơi. Bước vào hành lễ, người đủ tiêu chuẩn được dân bản bầu ra mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng. Những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, cùng những lời diễn xướng của Then như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời. Ghê gớm hơn con người đã làm cho thiên nhiên say đắm. Then và các Sao Chẩu cùng vui múa hát. Trai thần và gái trần cùng hòa nhịp cảm xúc, ngất ngây trong tiếng nhạc. Vậy là thần và người đã có sự đồng điệu, trời đất như được giao hòa. Sự đồng điệu ấy khiến mọi người chứng kiến đều thấy xao xuyến trong lòng. Người già – xem múa hát thì như được trẻ lại. Nam thanh, nữ tú thì bị cuốn vào cuộc vui. Rõ ràng con người đã chiếm được cảm tình của thiên nhiên, đã lôi kéo và chế ngự buộc thiên nhiên phục vụ lợi ích của mình.

Kết thúc phần lễ, then và các Sao Chẩu múa điệu Quát Bó Héo (quét hoa tàn):

Hoa héo hoa về gốc
Hoa úa hoa về thân
Tất cả cây cối chết trơ
Nhưng hoa vẫn nảy mầm.

Đó là niềm tin vào sự luân hồi bất diệt. Con người chết đi không phải là chết mà vẫn còn tiếp tục sống ở thế giới mới, cũng như những bông hoa kia héo tàn lại trở về với thân, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cũng như quá khứ không mất mà luôn hiện hữu ở trong chúng ta.

Bước vào phần hội, mọi người cùng nắm tay nhau đoàn kết chất ngất điệu xòe:

Không múa hát thì lúa nương không mảy hạt,
Hoa không kết trái,
Gái không tìm được đôi,
Trai không tìm được bạn.

Như vậy, Kin Pang Then là dịp để trai bản, gái mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Dường như nghệ thuật múa đã ăn sâu vào máu của người Thái. Sau lễ hội, nhiều đôi trai gái đã nên vợ thành chồng. Ai về với Kin Pang, ngắm nhìn những người chơi hội mới thấy hết được cảm xúc đó.

Hạt nhân mối dây cộng đồng

Lễ hội Then không còn giới hạn bởi không gian và thành phần tham gia trong một bản, một xã của dân tộc Thái trắng. Mà nó có sức mạnh lan tỏa ra một vùng và các dân tộc khác cùng tham gia Kin Pang Then. Người Mông từ núi cao xuống; người Dao ở bản bên sang… Đàn ông thì mang theo dây song dài để chơi trò Chặc vai (kéo co), phụ nữ thì mang theo quả còn, én cáy để cùng chơi với chị em người Thái. Đây cũng chính là hạt nhân để kết nối cộng đồng các dân tộc. Sự cố kết này đã tạo ra sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển bản mường, chống giặc ngoại xâm và thiên tai.

Trò chơi té nước trong Lễ hội Kin Pang Then.


Trong hai ngày còn lại, các già bản, già mường ngồi trong nhà Then kể cho con cháu nghe về lịch sử bản mường, kể về các anh hùng có công đánh giặc giữ Mường. Còn lớp trung niên, nam thanh nữ tú thì múa hát, chơi các trò chơi dân gian như: Ném còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy, té nước, bơi lội. Các trò chơi được mọi người tham gia hào hứng, với mong ước chinh phục tự nhiên, cầu có sức khỏe cường tráng. Đồng thời cũng thể hiện sự khéo léo, tài giỏi và gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản. Đến với lễ hội chúng ta còn được thưởng thức những món ăn dân gian truyền thống của người Thái như: Cơm lam, rau gai, cà rừng, cá bống nướng, ve sầu, bọ xít, dế mèn… Thoạt nhìn, trong cổ họng cứ rờn rợn, nhưng bỏ vào miệng nhai kỹ ta mới thấy được vị thơm giòn của từng món ăn, mang đậm hương rừng Tây Bắc. Đồng thời, ta cũng thấy được đôi bàn tay tảo tần khéo léo, đức tính hy sinh của người phụ nữ Thái.

Lễ hội Kin Pang Then là sự kết hợp hài hòa giữa khát vọng tâm linh và hiện thực. Nhưng trong một giai đoạn dài nó đã bị thất truyền. Mãi đến năm 2003, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Thái trắng mới quyết tâm sưu tầm, tìm hiểu để khôi phục lại cái linh hồn của dân tộc mình. Nghệ nhân Nông Văn Nhay, 69 tuổi, là người bỏ công sức để tìm lại những điệu hát then cổ đã bị mai một, tâm sự: “Giữ gìn và bảo tồn Kin Pang Then là điều rất cần thiết, vì lễ hội có giá trị tâm linh to lớn, mang tính cộng đồng cao, mang lại niềm tin, niềm vui cho mỗi con người trong cuộc sống. Mặt khác, lễ hội Kin Pang Then là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy khôi phục và bảo tồn Lễ hội Kin Pang Then theo tôi là rất cần thiết”. Ý thức được tầm quan trọng đó, nên mỗi năm Nhà nước và tỉnh Lai Châu đều tổ chức Liên hoan Hát then – Đàn tính, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng của dân tộc...

Bài và ảnh Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN