Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, dân tộc Thái xã Sơn A, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lại tưng bừng mở hội Lôông Tồng đón Xuân để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành, đồng thời cầu xin thần năm mới cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an, con người khỏe mạnh...
Đây cũng là một trong những hoạt động của tuần văn hóa lễ hội Chương trình du lịch về cội nguồn 2011 đang diễn ra tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Lễ hội Lôông Tồng của đồng bào Thái xã Sơn A diễn ra trên một thửa ruộng rộng “Tổng” hay khu đất rộng, bằng phẳng của xã, thôn bản. Theo quan niệm của bà con đồng bào dân tộc Thái, đây là một nghi lễ rất thiêng liêng và quan trọng trong ngày đầu năm mới. Mỗi thôn, làng bản trong xã đều phải chuẩn bị một mâm lễ vật, tùy theo điều kiện của từng thôn để góp lễ. Địa điểm phải rộng để tiến hành hai phần gồm phần lễ và phần hội.
Chuẩn bị mâm cỗ lớn để dâng lễ. |
Phần lễ là nghi thức thiêng liêng và quan trọng nhất. Mỗi thôn trong xã đều phải chuẩn bị một mâm lễ vật, tùy theo điều kiện của từng thôn để góp lễ. Các lễ vật trên mâm thường là các loại bánh làm từ lúa, ngô do bà con sản xuất ra, thịt gà, thịt lợn, vàng mã... Ngoài ra, xã chuẩn bị một mâm cỗ lớn mà người dân nơi đây gọi là "Pan cộ" (có nghĩa là mâm cỗ “Cái”) gồm có: Một con lợn, 3 bát hương, 2 đĩa xôi (1 đỏ, 1 trắng), 15 chiếc chén, 12 đôi đũa, 1 mâm lễ gồm 1 cuộn vải Thái, 3 đĩa lá trầu không, vòng cổ, vòng tay, giấy vàng mã.
Khi lễ cúng kết thúc, con lợn sẽ được chia đều cho các mâm lễ của các thôn tượng trưng cho sự phát lộc, may mắn cho nhân dân các thôn bản. Một mâm ngũ quả gọi là "Pan lệ" gồm một nải chuối, 1 chiếc bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo. Một mâm "Còn Vòng" gồm 1 con gà luộc, 5 đôi chén, đũa; một chai nước lã, 1 bát nước, 1 bát gạo, 1 chai rượu trắng.
Bà Lò Thị Hinh, 82 tuổi ở xã Sơn A cho biết: Khi dâng lễ vật thường có hai mâm cỗ giống nhau mỗi mâm có 1 con gà luộc (người dân gọi là "Pan tạo cắp a nha", có nghĩa là mâm của Tạo Thổ và Tạo Phìa, là người đứng đầu trong một vùng. Sự sắp xếp đó thể hiện sự kính trọng của nhân dân đối với người có địa vị, đồng thời thể hiện tính trật tự trong xã hội.
Ông Trần Văn Mộc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Các mâm lễ trên được mang đến lễ hội đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bà con các dân tộc nơi đây sau một năm trồng trọt, chăn nuôi, nhờ thần linh, tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu nay mang sản vật đến để tạ ơn thần linh thổ địa và thành hoàng, những người đã có công khai phá vùng đất, lập bản, lập mường, chiến đấu bảo vệ bản mường như: Nàng Han, Tạo Ngần, Tạo Xuông... Màu sắc được bày trên mâm cúng chủ yếu là màu hồng, đỏ, xanh, trắng, vì theo quan niệm của người dân thì màu đỏ, hồng tượng trưng cho sự khỏe khoắn, may mắn. Màu xanh là biểu tượng của hòa bình với ước nguyện cho đồng ruộng, cây cối luôn xanh tươi; màu trắng biểu hiện cho tâm hồn trong trắng, tâm đẹp, không làm việc ác, hướng thiện.
Ở phần lễ, sẽ chọn một nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng để đứng ra làm chủ lễ. Thầy Mo sẽ cúng bài "Sơ cao lặn khăm, đại ý: "Năm hết Tết đến, nhân dân làm mâm cơm tạ trời đất, thần linh, thổ địa và thành hoàng trong năm đã bảo vệ cho mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy bồ, con người khỏe mạnh. Cầu xin trời đất, thần linh, thổ địa và thành hoàng sang năm mới phù hộ cho bà con dân bản một năm mới tốt đẹp, mọi điều như ý muốn". Lời cúng của thầy Mo chính là ước nguyện của bà con dân bản, là triết lý rất giản dị thể hiện sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Sau phần lễ là phần hội, đây là phần thu hút đông đảo số lượng người tham gia nhất. Phần hội để du khách thập phương đến xem và tham dự các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như kéo co, đu quay, đẩy gậy, leo cột mỡ, đua mảng, múa xòe, hát khắp... mà điển hình là trò chơi ném còn, một trò chơi không thể thiếu trong lễ hội. Đây là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, thể hiện rõ quan niệm âm dương của cư dân Nam Á.
Lôông Tồng là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống. Thông qua lễ hội đã phản ánh được ước nguyện của người dân vào một mùa mới, năm mới mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội còn là nơi giao lưu văn hóa gặp gỡ giữa các cộng đồng dân tộc nơi đây, tạo nên mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, keo sơn giữa đồng bào các dân tộc.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn