Cứ vào trung tuần tháng mười âm lịch, đồng bào Khmer Nam bộ lại háo hức chuẩn bị cho Lễ cúng trăng (Óoc om bok), lễ lớn thứ ba trong năm của người dân nơi đây.
Sở dĩ gọi là Lễ cúng trăng vì lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mùa màng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Tuy trong Lễ cúng trăng, phần lễ là chính nhưng cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, ngày lễ này của đồng bào Khmer cũng có hai phần lễ và hội.
Phần lễ được tổ chức vào tối ngày 14/10 âm lịch, chủ yếu là những hoạt động xung quanh nghi thức cúng trăng. Việc cúng trăng có thể tại chùa, tại nhà, miễn sao nơi đó có thể nhìn rõ mặt trăng và phải cúng trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Dưới ánh trăng, mọi người cùng thành kính chắp tay làm lễ. Một cụ già sẽ được cử làm chủ lễ và đọc lời khấn Thần Mặt Trăng nói lên lòng biết ơn của mọi người với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do mọi người dâng và chúc phúc cho loài người có sức khỏe dồi dào, được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được hưởng ấm no, hạnh phúc trong năm tới.
Ngoài các vật phẩm cúng có nguồn gốc từ nông nghiệp, cốm dẹp là lễ vật không thể thiếu trong Lễ cúng trăng. Càng gần đến ngày lễ, tiếng cối, chày gỗ quết cốm dẹp trong các sóc của đồng bào Khmer lại rộn vang. Cháy hết tuần hương, người già gọi trẻ con đến ngồi xếp hàng trước ban thờ và vừa đút cốm dẹp, vừa hỏi: "Con muốn được gì?". Người dân Khmer cho rằng, năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rõ ràng, năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Có lẽ vì thế mà Lễ cúng trăng còn có tên là Lễ đút cốm dẹp.
Phần hội trong Lễ cúng trăng cũng rất sôi động và đặc sắc mà tâm điểm là các cuộc đua ghe ngo. Các hoạt động trong phần hội của Lễ cúng trăng lôi cuốn không chỉ đồng bào dân tộc Khmer mà còn hấp dẫn cả đồng bào dân tộc khác sinh sống cùng tham dự. Nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng cồng và tiếng hò - hụi của các đội đua vang dội cả một khúc sông.