Lãng phí nguồn nhân lực đại học

Khoảng chục năm trở lại đây việc học đại học là tương đối dễ dàng đối với các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT bởi hệ thống trường đại học ngày một gia tăng, chỉ tiêu đào tạo ngày càng nhiều. Nhưng cũng chính điều này lại tạo nên một số lượng cử nhân tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng nhiều, trong các khu công nghiệp số lượng công nhân có trình độ đại học tương đối phổ biến.


Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” chính là do gia đình, nhà trường và xã hội đã không định hướng rõ ràng được cho học sinh ngay từ ghế nhà trường. Có thể nói gia đình nào cũng muốn con mình được đậu và học đại học dù ngành nghề không phù hợp, với quan điểm "cứ vào học đại học ra trường rồi sẽ tính và chạy chỗ làm"; còn với nhà trường, một công tác quan trọng nhất là thực hiện hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trên sở trường, năng khiếu của học sinh dường như bị bỏ ngỏ, chỉ làm chắp vá mỗi khi đến mùa tuyển sinh; với xã hội, công tác dự báo, xây dựng chiến lược ngành nghề mang tính bền vững, lâu dài và các chính sách tuyển dụng còn nhiều bất hợp lý. Tất cả các nguyên nhân trên đã khiến những tân cử nhân tràn đầy hoài bão ngỡ ngàng và không khỏi bị choáng với thực tế. Những áp lực của cơm áo gạo tiền đã buộc những cử nhân phải chọn con đường làm thợ để tồn tại, một số khác ngậm ngùi chọn cách quay lại học nghề để xin việc tạm thời.


Với số lượng thống kê, hiện nay có vài trăm ngàn người có trình độ đại học ra trường nhưng thất nghiệp hoặc làm việc dưới chuẩn đào tạo, điều này đã tạo nên sự lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng, có đam mê, nhiệt huyết với nghề, ngoài ra nguồn lực to lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực bị tiêu phí. Hơn thế nữa, sự không thành công của nhiều cá nhân trong công việc và cuộc sống do định hướng nghề không đúng có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.


Một điều không kém phần quan trọng trong chương trình đào tạo hiện nay là sinh viên cứ phải học theo những gì nhà trường cung cấp, không quan tâm tới nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhà trường cứ đào tạo theo lối mòn, lặp đi lặp lại những kiến thức cũ không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chương trình đào tạo thiên về lý thuyết nên khi sinh viên ra trường không áp dụng được, kể cả xin đi làm công nhân cũng phải học lại.


Nên chăng hiện nay cần đổi mới đào tạo ở cả các trường đại học của chúng ta theo mô hình " hình chóp", nghĩa là đầu vào thì rộng mở nhưng đầu ra thì hẹp lại. Sau khi tốt nghiệp THPT các em sẽ chọn vào học một trường đại học nào đó. Còn các trường đại học thì xét kết quả học tập của các em ở phổ thông cho đến hết chỉ tiêu. Các trường đại học phải có chương trình đào tạo sinh viên như thế nào sao cho học xong năm thứ nhất mà không vượt qua được kỳ thi để lên học năm thứ 2 thì cấp bằng tương đương sơ cấp nghề. Nếu học xong năm thứ 2 nhưng không thi lên học được năm thứ 3 thì cấp bằng trung cấp, tương tự như vậy học xong năm thứ 3 mà không thi nổi lên năm thứ 4 thì cấp bằng cao đẳng. Chỉ khi nào vượt qua 4 năm học với các kỳ thi chuyển giai đoạn từng năm mới có được tấm bằng đại học.

Sinh viên ra trường đi làm việc một thời gian nhất định phù hợp với chuyên ngành đào tạo thì được ưu tiên cộng thêm điểm khi thi lên loại hình đào tạo cao hơn. Cách đào tạo này sẽ sàng lọc được năng lực của các đối tượng học sinh đồng thời phân luồng được ngay các loại hình đào tạo. Sinh viên sẽ được học từ " thợ cho đến thầy", và khi đó xã hội sẽ có một nguồn nhân lực phong phú , đa dạng đủ để cung ứng mọi ngành nghề công việc cần thiết trong xã hội.


Văn Thy Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN