Lãng phí cầu vượt bộ hành

Thực hiện dự án Tăng cường an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông nội đô, từ năm 2007 đến nay, Hà Nội đã dành kinh phí cả trăm tỷ đồng triển khai xây dựng hơn 20 cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, rất nhiều cây cầu thời gian sử dụng chưa được bao lâu, đã không phát huy tác dụng. Bên cạnh ý thức kém của một bộ phận người dân, phải kể đến sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng.


 

Vấn đề lãng phí khi xây dựng những cầu bộ hành không phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân đã được dư luận cảnh báo từ lâu, đặc biệt trong thời gian gần đây, lại càng có nhiều ý kiến gay gắt khi Hà Nội phải di dời 2 cây cầu dành cho người đi bộ vừa xây xong đã phải dỡ bỏ tại đường Trần Khát Chân và Nguyễn Chí Thanh để lấy chỗ xây cầu vượt.


Cầu vượt bộ hành không phát huy được hiệu quả trước hết là do ý thức tùy tiện của người dân khi tham gia giao thông; họ chưa có thói quen đi cầu vượt. Bên cạnh đó, còn nguyên nhân là sự bất hợp lý trong thiết kế, xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ. Chưa kể, tình trạng mất vệ sinh khiến nhiều người rất ngại khi phải đi qua cầu vượt. Thế nên, dù biết rất nguy hiểm, nhưng tại rất nhiều điểm có cầu vượt, người đi bộ vẫn thản nhiên băng ngang đường. Quả thật, có cất công lên các cây cầu vượt tại Thủ đô... mới thấy tình trạng mất vệ sinh trên các cây cầu này thật đáng báo động! Rác được những người dân thiếu ý thức xả vô tư từ đường dẫn đến mặt cầu. Phần lớn các chân cầu bị biến thành nơi tập kết của xe thu gom rác, làm ô nhiễm môi trường... Nhiều người lo ngại, cầu vượt sẽ chung số phận với các hầm bộ hành, có nguy cơ thành nơi chứa rác thải nếu các cơ quan chức năng buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo dưỡng... Thực tế, rất nhiều cây cầu bộ hành đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng mặc dù thời gian sử dụng chưa được bao lâu. Ngoài ra, đa số cầu vượt bộ hành được xây dựng khá cao, lối lên cầu dốc, lại bị hàng rong, rác thải lấn chiếm, gây cản trở cho việc đi lại của người dân, nhất là đối với người già, người tàn tật... Thế nên, hình ảnh các sinh viên, người dân thản nhiên băng qua đường ngay cạnh những cây cầu vượt là không tránh khỏi.


Không thể phủ nhận, cầu bộ hành vẫn được xem là một biện pháp giảm ùn tắc giao thông rất hiệu quả, nhưng việc đầu tư không đúng nơi, đúng chỗ, không đúng mục đích, thì nhiều tỷ đồng tiền thuế đóng góp của dân sẽ tiếp tục bị sử dụng lãng phí.


Theo kế hoạch được TP Hà Nội công bố, từ nay tới năm 2015, thành phố tiếp tục triển xây dựng thêm một số cầu vượt bộ hành và hầm bộ hành. Đây được xem là một trong các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại nội đô. Dư luận cho rằng, để tránh lãng phí, việc xây dựng cầu vượt bộ hành cần được khảo sát, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân; tránh tình trạng xây theo cảm tính và không sát với thực tế. Không để xảy ra tình trạng nơi đông dân cư, có nhu cầu đi lại lớn thì không được đầu tư, còn nơi nhu cầu đi lại ít thì xây dựng ồ ạt... Rất cần các cuộc khảo sát, điều tra, lấy ý kiến của người dân và chính quyền sở tại trước khi khởi công xây dựng. Có như vậy, những dự án cầu vượt bộ hành mới không bị chết yểu.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN