Nghệ nhân kể sử thi “huyền thoại” Y Wang HWing ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Chư M’nga, Đăk Lăk cất giọng trầm đều.
Nghệ nhân Y Wang là một trong những người hiếm hoi còn biết kể sử thi. Người Ê Đê gọi sử thi là klei Khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Còn nghệ nhân hát kể sử thi là pô Khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc. Nội dung cơ bản của sử thi Ê Đê chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn.
Nghệ nhân Y Wang kể sử thi tại nhà dài Ê Đê. |
Ngay từ nhỏ, những bài sử thi được kể trong đêm sử thi đã ngấm vào Y Wang. Vào mùa lễ hội hay sau một ngày lao động mệt nhọc, mọi người quây quần bên bếp lửa nhà sàn, bên ché rượu cần sắp nhạt và nghe kể sử thi. Mỗi cuộc kể sử thi thường bắt đầu từ 7 - 8 giờ tối hôm trước đến 5 - 6 giờ sáng hôm sau; có cuộc kéo từ ngày này sang đêm khác, đêm này nối đêm kia. Dần dần những điệu sử thi trở nên thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày và được Y Wang tiếp tục hát kể cho mọi người suốt mấy chục năm qua. Đến nay, Y Wang đã thuộc và nhớ được 4 sử thi nổi tiếng của người Ê Đê là: “Chàng Đăm Bhu - Đăm Bha”, “Chàng Đăm Săn”, “Chàng Đun Bru” và “Chàng Bong đi săn bắt”. Mỗi tác phẩm sử thi Ê Đê là một câu chuyện dài, có thể dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu.
Không gian, đời sống văn hóa xã hội có nhiều biến đổi, làm mất đi không gian truyền thống của sử thi. Nên số lượng nghệ nhân biết kể sử thi cũng ít dần. Nghệ nhân Y Đhin Niê, sinh năm 1974, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar là một trong số những người trẻ đam mê theo học kể khan. Theo thầy Y Wang hơn 6 năm trời, anh mới có thể kể được một vài đoạn sử thi. “Nhiều lễ hội mất dần đi, buôn làng có nhiều thay đổi, nhà dài bằng gỗ được thay bằng những căn nhà xây, không còn những cánh rừng bạt ngàn, những loài cây, loài thú được nhắc đến trong sử thi, nên người nghe cũng không hiểu. Làm cho việc học và truyền lại kể sử thi cũng khó khăn hơn nhiều. Đòi hỏi người học phải mất rất nhiều thời gian và phải có niềm đam mê thực sự”, Y Dhin Nie cho biết.
Mọi người ngồi nghe kể Khan. |
Để bảo tồn sử thi dân tộc mình, nghệ nhân Y Dhin Nie chọn cách diễn tấu bất cứ khi nào có thể. Ngày xưa, kể sử thi chỉ diễn ra vào buổi tối, khi mọi người quây quần lại với nhau. Nhưng bây giờ, chỉ cần có ai yêu cầu, ban ngày hay ban đêm, anh cũng sẽ kể vài đoạn sử thi. Y Dhin Nie chia sẻ: “Làm như thế để mình không quên và khơi lại cảm hứng cho người nghe. Cái khó nhất để duy trì kể sử thi chính là cần không gian diễn xướng phù hợp và có một lượng người nghe kể sử thi. Bởi nếu không có người nghe, nghệ nhân cũng không thể hát kể được”.