Lâm Bình phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới

Lâm Bình là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, mới thành lập từ năm 2011, xuất phát điểm của các xã khi xây dựng nông thôn mới rất thấp, chỉ đạt từ 1 - 2 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với hơn 67%. 

Trước những khó khăn đó, huyện Lâm Bình xác định: Dựa vào nội lực của dân và cộng đồng là chính, Nhà nước hỗ trợ chủ yếu qua các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền sâu, rộng để làm cho người dân, "chủ thể" trong xây dựng nông thôn mới, hiểu được chủ trương xây dựng nông thôn mới và những lợi ích nông thôn mới mang lại. Song song với đó, huyện Lâm Bình huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, trong đó, tập trung vào giao thông, thủy lợi, trường học, sản xuất nông nghiệp…

Trung tâm hành chính huyện Lâm Bình đang được triển khai xây dựng.


Chỉ tính riêng trong năm 2014 và 7 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí thực hiện gần 76 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhân dân đóng góp trên 1,5 tỷ đồng… Từ số tiền này, huyện đã đầu tư xây dựng 13 công trình giao thông, 13 công trình thủy lợi, xây mới 1 trạm biến áp điện, 2 trạm y tế, xây mới 1 trụ sở UBND xã, 5 phòng học, xây dựng các công trình cơ sở vật chất văn hóa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... Hiện tại, nhiều công trình đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được huyện thực hiện. Thông qua lồng ghép các chương trình dự án như Chương trình 135, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn… để xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, qua đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Những con đường bê tông đang làm thay đổi bộ mặt làng quê Lâm Bình.


Thuận lợi lớn nhất để huyện Lâm Bình đạt nhiều kết quả trong việc xây dựng nông thôn mới là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình này được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp tiền của và hàng trăm ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh.

Huyện Lâm Bình có xã Thượng Lâm đạt 19/19 tiêu chí, xã Thổ Bình và xã Lăng Can đạt 11 tiêu chí; một số xã như Bình An đạt 8 tiêu chí, Khuôn Hà 6 tiêu chí, Hồng Quang đạt 7 tiêu chí; 2 xã đạt 4 tiêu chí là Xuân Lập và Phúc Yên.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Trong thời gian tới, huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư’’ gắn với xây dựng nông thôn mới. Các địa phương rà soát, xác định những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, cân đối với nguồn lực thực hiện tại của các xã để lập kế hoạch cụ thể, quyết định ưu tiên lĩnh vực đầu tư. Các xã tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt.

Huyện Lâm Bình phấn đấu hết năm 2015, thu nhập bình quân đạt hơn 17 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 55%... Đến năm 2020, thu nhập đạt 26,6 triệu đồng/người/năm; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vũ Quang Đán
Sức bật từ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Sức bật từ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm gần đây, Sóc Trăng đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về NTM, trong đó có nhiều tiêu chí khó như tiêu chí về môi trường, xóa đói giảm nghèo, mức thu nhập, tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng, thủy lợi, điện nước…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN