Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 18/6, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng; biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.
Nhận diện các hành vi lãng phí
Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu cho rằng dự án luật lần này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định rõ hơn các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt các hành vi gây lãng phí, các cơ chế phát hiện điều tra thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi. Song, các đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phạm Văn Hổ (Phú Yên), Thân Đức Nam (Đà Nẵng)… cũng cho rằng một số điều khoản trong dự thảo luật còn chung chung, chồng chéo, tính khả thi chưa sát với thực tế.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN |
Lấy dẫn chứng từ các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng đang phát triển theo phong trào, các trường trung cấp, cao đẳng đang đua nhau “nâng hạng” thành trường cao đẳng, đại học, quy mô không gắn với chất lượng, không phù hợp với cung - cầu, gây lãng phí lớn, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, các hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm. Theo đại biểu, nếu Chính phủ không sớm chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, phân loại, xây dựng lại quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đảm trách từng mắt xích công việc, gắn với chịu trách nhiệm, đền bù thỏa đáng trong trường hợp để xảy ra hậu quả gây lãng phí tiền bạc, thời gian của Nhà nước, của nhân dân thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong dự thảo Luật sẽ không khả thi, khó đi vào cuộc sống.
Cùng chung quan điểm với đại biểu Ngô Thị Minh, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Lê Văn Tân (Hà Nam) phân tích: Hai sân bay quốc tế chỉ cách nhau 100 km, có thể đi ô tô chỉ hết 2 giờ đồng hồ trong khi kinh phí bỏ ra cho xây sân bay rất tốn kém nhưng cũng chỉ khai thác được vài chuyến bay mỗi ngày. Tình trạng đua nhau thành lập trường đại học rồi không tuyển đủ chỉ tiêu, đào tạo nghề tràn lan, học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm… cũng là một hình thức lãng phí. Hay như các lễ khởi công, hội nghị, lễ hội, festival… đã và đang được tổ chức khắp nơi, không phù hợp với mục đích, yêu cầu, gây lãng phí lớn.
Luật chưa đủ sức răn đe
Từ những phân tích về thực trạng và các hành vi lãng phí, các đại biểu cho rằng luật vừa thiếu, vừa thừa, chưa đủ mạnh để răn đe, thiếu biện pháp đảm bảo thực hiện, một số nội dung trùng với nhiều luật khác...
Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên, trong sử dụng lao động, thời gian lao động... Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội), luật cần bổ sung cơ chế, chế tài để phòng lãng phí và chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, nhân lực công.
Quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu rõ: Nguồn tài nguyên quốc gia không phải là vô hạn. Hiện nay cử tri và nhân dân cả nước đang rất bức xúc về việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc lộng hành, khai thác cát tràn lan trên các sông ngòi... Bên cạnh đó có nhiều loại tài nguyên không thể tái tạo được như than, dầu thô, kim loại..., dự án luật chỉ quy định quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị việc quy định việc xây dựng, quy hoạch, kế hoạch quản lý khai thác sử dụng phải tính đến hiệu quả lâu dài, bền vững, hạn chế quản lý sử dụng có lợi ích thấp, ngắn hạn, lãng phí nguồn lực cho tương lai, ảnh hưởng môi trường và sự bình yên cho cuộc sống của người dân.
Dự kiến, dự án Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay.
Thông qua Luật Khoa học và Công nghệ
Trong phần đầu phiên làm việc toàn thể tại hội trường chiều 17/6, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 87,75% số đại biểu tán thành. Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) có 11 chương với 81 điều, quy định rõ về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng chưa cụ thể
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, đa số ý kiến cơ bản tán thành với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo, tràn lan trong khâu thực hiện. Việc đề nghị các hình thức khen thưởng cấp nhà nước được thực hiện theo quy trình, thủ tục từ cấp cơ sở, phải qua nhiều cơ quan, cấp bậc xem xét, tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, khó kiểm soát. Các đại biểu đề nghị cần xem xét, giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Dự thảo luật mới chỉ sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng cấp nhà nước mà vẫn giữ nguyên hệ thống các hình thức khen thưởng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, việc bổ sung nội dung “Bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới” vào các nguyên tắc khen thưởng của Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết, cụ thể hơn trong các chương, điều về tiêu chuẩn cũng như việc xét khen thưởng đối với nữ giới chứ không chỉ nêu nguyên tắc chung. Như vậy, nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Thi đua, khen thưởng mới bảo đảm được tính toàn diện và thực hiện đúng yêu cầu đã nêu trong Luật Bình đẳng giới.
Một số đại biểu cho rằng, việc quy định hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể ngoài Nhà nước là cần thiết, góp phần động viên kịp thời một lực lượng lao động không nhỏ đang tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể đối với các cá nhân, tập thể ngoài Nhà nước và quy định rõ về tỷ lệ được xét khen thưởng.
Về chu kỳ xét các danh hiệu thi đua khen thưởng, một số đại biểu cho rằng, việc dự thảo quy định tặng Cờ thi đua của Chính phủ lên 3 năm mới được xét một lần; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động là 5 năm xét một lần; các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân tăng lên 3 năm xét một lần sẽ không đảm bảo tôn vinh kịp thời, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại nội dung này.
TTN