Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước thành viên nhóm G-20 kéo dài 2 ngày đã kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích nhóm họp của đại diện 20 nền kinh tế chiếm hơn 85% tổng GDP toàn cầu này là phối hợp các hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ hiện thế giới chưa nhìn thấy “đầu tàu” tăng trưởng nào khác ngoài nền kinh tế Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế thế giới cần tiến hành các cuộc cải cách hệ thống sâu rộng.Mô hình phát triển của nền kinh tế Mỹ vẫn được đánh giá là kém bền vững. |
Trước thềm cuộc gặp, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christina Lagarde nhấn mạnh rằng nếu thế giới không hành động thì “con tàu” tăng trưởng toàn cầu sẽ không thể thoát ra khỏi “bãi cạn” đang mắc phải và khả năng tạo thêm việc làm mới là rất thấp.
Bà Lagarde cũng chỉ ra một số yếu kém của nền kinh tế thế giới hiện nay. Thứ nhất, Khu vực đồng euro vẫn được đánh giá là còn yếu. Do vậy, Mỹ, Canada và Anh muốn gia tăng sức ép lên châu Âu, nơi vẫn đang tiến hành chính sách kinh tế khắc khổ và thắt chặt chi tiêu. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khổng lồ khác như Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang có dấu hiệu chậm lại, trong khi Nhật Bản cũng chưa hồi phục để có cuộc tăng tốc bứt phá. Thứ ba, các rủi ro địa chính trị đang ngày một gia tăng khiến giới đầu tư lo ngại, trong đó phải kể đến tình hình Ukraine, Syria, Iraq và hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế Mỹ gần như đóng vai trò đầu kéo duy nhất của kinh tế thế giới. Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này là 2,5% và dự báo trong năm 2015 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn các nền kinh tế khác. Mặc dù vậy, mô hình phát triển của nền kinh tế Mỹ vẫn được đánh giá là kém bền vững. Bộ trưởng Kinh tế nước này nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ kéo theo sự tăng trưởng nhẹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới cũng không nên trông đợi vào Mỹ như động lực tăng trưởng duy nhất. Giải pháp duy nhất hiện nay là tiến hành những cuộc cải cách hệ thống sâu rộng nền kinh tế thế giới.
Dường như các nhà kinh tế cũng đã nhìn thấy giải pháp để thoát khỏi thực trạng hiện nay. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Brisben, các bên đã thống nhất thông qua một chương trình gồm các cuộc cải cách phức tạp song cần thiết. Cụ thể, trong vòng 4 năm tới, G-20 dự kiến nâng GDP nền kinh tế thế giới lên 2.000 tỷ USD và tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới với các giải pháp cụ thể.
G-20 dự kiến sử dụng 3 đòn bẩy về ngân sách, tài chính - tiền tệ và cơ cấu để cải thiện nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các đòn bẩy này xem ra chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, trước hết là việc quá lạm dụng chức năng của cỗ máy in tiền và xử lý kém hiệu quả vấn đề nợ công, trong khi các cuộc cải cách hệ thống chưa được thực hiện mạnh mẽ.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nền kinh tế lên tiếng về việc trong năm 2015 cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ra các cơ chế tài chính mới đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định, đồng thời lấy lại niềm tin của giới đầu tư và gia tăng các hoạt động doanh nghiệp.
Giới chuyên gia nhận định rằng hiện tăng trưởng toàn cầu vẫn lệ thuộc lớn vào nền kinh tế Mỹ bởi quy mô to lớn của nền kinh tế này. Tuy nhiên, việc trông chờ vào Mỹ như động lực cứu cánh duy nhất là rất không nên, nhất là trong bối cảnh sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong suốt 4 năm trở lại đây có được là do “sự bùng nổ” trong ngành khai thác dầu từ đá phiến. Quả bóng này đang xẹp lại khi giá dầu xuống còn 50 USD/thùng và ngành công nghiệp khai thác dầu phi truyền thống ở cả Mỹ lẫn Canada có nguy cơ bị đóng cửa. Thực trạng này một lần nữa cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cần dựa vào các nguồn tăng trưởng mới, kể cả ở các nước đang phát triển.
Cao Cường