Kiến ba khoang lại hoành hành

Tình trạng người dân bị kiến ba khoang đốt gây viêm loét da đang xảy ra ở nhiều khu tập trung đông dân, như chung cư, ký túc xá...


Da lở loét vì độc tố

Đang ôm con ngủ thì thấy ngứa ở vai, anh Vũ Đức Quý (chung cư Nam Xa La, Hà Nội) lấy tay gãi và đã vô tình chà xát con kiến ba khoang lên da. “Sáng hôm sau ngủ dậy thì khắp vai, cổ, cánh tay, mặt của tôi và một số vùng da trên cơ thể con tôi bị phồng rộp và đỏ thành vệt, sau đó nổi mụn nước và loét ra. Nghĩ là con bị bệnh gì lạ, tôi bế cháu đi khám, mới biết đó là bệnh viêm da do độc tố của kiến ba khoang”, anh Quý chia sẻ.

Hình thể kiến ba khoang.

Không chỉ anh Quý, thời gian gần đây nhiều người dân ở khu vực Xa La, đang sống trong nỗi lo loài kiến ba khoang có thể bay vào nhà bất cứ lúc nào. Từ đầu tháng 10 đến nay, tòa chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng có tình trạng kiến ba khoang thường xuyên vào nhà. Có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến. Nhiều trẻ em, người lớn đã bị viêm loét da vì không để ý khi vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang.

Tại TP Hồ Chí Minh, vừa qua cũng xảy ra vụ hơn 1.000 sinh viên ở khu ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) bị nổi mẩn ngứa, rộp da, thành mủ do tiếp xúc với kiến ba khoang. Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 630 lần sinh viên các phòng trong KTX phát hiện loại kiến này.

Bà Phùng Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ngay sau khi sự việc được phản ánh, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức tiến hành phun thuốc diệt côn trùng và kiến ba khoang trên diện rộng, phát quang bụi rậm... Số sinh viên bị ảnh hưởng do tiếp xúc với kiến ba khoang hiện đã giảm, còn khoảng 8 - 9 người/ngày, so với trước đó là khoảng 11 - 12 người/ngày.

Theo nghiên cứu của Khoa Công trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP Hồ Chí Minh: Kiến ba khoang là con vật sống trên ruộng đồng, là người bạn tốt của bà con nông dân, vì chuyên ăn các loài sâu rầy gây hại hoa màu. Tuy nhiên, do gần đây nhiều loài là thiên địch của nó biến mất, nên kiến ba khoang bùng phát và xâm nhập các khu dân cư như: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... đặc biệt là những nơi gần với cánh đồng lúa và xuất hiện với mật độ nhiều hơn vào khoảng tháng 9, tháng 10 trong năm.

Không chỉ xuất hiện ở KTX, loại kiến này còn xuất hiện ở một số chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Chị Phạm Huyền, sống ở chung cư Phú Lợi (Phạm Thế Hiển - quận 8) lo lắng: “Do tiếp xúc với loại côn trùng này mà nhà tôi nhiều người phải tới tới bệnh viện điều trị vì bị lở loét, khó chịu. Mặc dù nhà tôi thường xuyên phun xịt hóa chất, nhưng loại kiến ba khoang thỉnh thoảng vẫn xuất hiện”.

Theo các chuyên gia, biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu, người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, sau 1 - 3 ngày thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt.

Nhận dạng để tiêu diệt


Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người dân cần nhận dạng được kiến ba khoang để phòng tránh. Đó là một loại kiến có thân hình thon, dài như hạt thóc, có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh; có đầu đen, một phần ngực màu đỏ, phía trước bụng có những khoanh xen kẽ màu đen - đỏ. Loài này không đốt hay cắn, nhưng do trong dịch cơ thể có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan tỏa.

“Kiến ba khoang có đặc điểm thường bay vào những nơi có ánh sáng trắng nên nếu có sự xuất hiện của loại kiến này, người dân nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng để ngăn kiến không bay vào nhà. Đồng thời phải phun thuốc mới tiêu diệt được kiến ba khoang. Có 4 loại thuốc trừ sâu được sử dụng đó là: Deltamethrin, Fipronil, Fenitrothion và Imidacloprid dùng để phun tồn lưu trên tường vách, sàn nhà và vật dụng... Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách như: Viện Sốt rét - ký sinh trùng, các trung tâm y tế dự phòng huyện/thị... để được hướng dẫn và phối hợp xử lý”, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.
Tạ Nguyên - Đan Phương
Bộ Y tế khuyến cáo: Không đập, chà xát kiến ba khoang trên người
Bộ Y tế khuyến cáo: Không đập, chà xát kiến ba khoang trên người

Bộ Y tế khuyến cáo người dân có ý thức tự bảo vệ, mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, không đập kiến ba khoang để tránh viêm da.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN