Kiểm soát tai nạn giao thông đường thủy

Tai nạn giao thông đường thủy đang diễn biến phức tạp đã cho thấy những “lỗ hổng” trong công tác quản lý loại hình vận tải này. Trước thực tế này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thảo luận, nghiên cứu dự luật sửa đổi một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa để sớm đưa luật vào cuộc sống.

 

Khó quản lí tàu chui, bến cóc


Vụ chìm tàu ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) ngày 2/8 làm 9 người thiệt mạng đã thực sự gióng hồi chuông báo động về những bất cập trong quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) hiện nay. Đây là một trong những vụ điển hình về việc người điều khiển phương tiện phớt lờ các quy định tối thiểu về an toàn đường thủy. Đến thời điểm này, việc xác định cá nhân hay cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này vẫn chưa được làm rõ, thậm chí việc quy định loại tàu, thuyền có thiết kế phục vụ vui chơi giải trí cũng chưa rõ ràng... Những bất cập trên cũng là nguyên nhân chính dẫn đến vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký, làm 16 nguời thiệt mạng trên sông Sài Gòn vào năm 2011.

Cảnh sát giao thông đường thủy Phú Thọ kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền trên sông Lô.


Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 80.500 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động vận tải, nhưng hiện mới quản lý được hơn 19.000 km, chiếm tỉ lệ 45%. Nhiều sông, kênh, rạch hiện không có năng lực cũng như nhu cầu về vận tải, mà chỉ thành sông khi mùa lũ về và trở thành những “vùng trắng” về quản lý. Điều đáng nói là công tác quản lý đường thủy tại các địa phương hiện mới chỉ dừng lại ở việc quản lý những phương tiện, bến bãi hoạt động đã được cấp phép, còn số “bến cóc” và phương tiện ngoài vòng kiểm soát thì bỏ ngỏ, trong khi những “đối tượng” này không ngừng gia tăng về số lượng. Thậm chí, số phương tiện và bến bãi có đăng ký cũng khó quản lý, bởi lực lượng chuyên ngành không đủ khả năng kiểm soát 24/24 giờ trong ngày…


Chưa hết, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, với con số khoảng 806.000 tàu, thuyền hiện có, bình quân mỗi năm tăng từ 6-8%, theo quy định, cần có số thuyền trưởng tương ứng là trên 108.000 người để điều khiển phương tiện, nhưng hiện nay mới chỉ có trên 22.000 người được cấp bằng và khoảng 15.000 người có chứng chỉ chuyên môn.


Còn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau 8 năm thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ từ năm 2005-2013, loại tàu, thuyền đăng ký hoạt động chỉ đạt 34% và số tàu, thuyền phải đăng kiểm chỉ đạt 61%, những con số này quá thấp so với thực tế. Đặc biệt, chỉ có khoảng 10% trong số 300.000 tàu, thuyền dân sinh thông dụng, có sức chở dưới 12 người, trọng tải dưới 15 tấn tại các địa phương đăng ký hoạt động. Số tàu, thuyền này thường không trang bị áo phao, phao cứu sinh, nên tỷ lệ thương vong cao khi gặp tai nạn. Còn các loại tàu thuyền trọng tải lớn từ 200 - 1.000 tấn thì trang bị thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình về thông tin liên lạc, hải bàn, rađa, thiết bị định vị...


Bổ sung nhiều quy định chặt chẽ


Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật sửa đổi Luật Giao thông ĐTNĐ sẽ trình kỳ họp Quốc hội cuối năm nay và đang tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Để lấp những “lỗ hổng” bất cập nêu trên, dự luật sửa đổi sẽ bổ sung 36 điều, trong đó thêm một chương quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ đường thủy. Vì thực tế, các vụ tai nạn đường thủy thời gian qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng...


Theo các chuyên gia, việc bổ sung chương này sẽ khắc phục được tình trạng buông lỏng quản lí thường xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa các địa phương hoặc tại một tuyến sông nhưng có nhiều đơn vị cùng quản lý như chính quyền sở tại, công an, cảng vụ, đoạn quản lý ĐTNĐ, thanh tra...


Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi cũng đề nghị bổ sung những quy định về đo nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện thủy; quy định trách nhiệm của tàu, thuyền gây tai nạn. Những vụ tai nạn vừa qua cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác cứu nạn, do đó dự thảo cũng sẽ bổ sung quy định về hành vi cứu người, đạo đức lái tàu để nâng cao hiệu quả công tác này. Quy định về quyền và trách nhiệm của hành khách sẽ theo hướng phải tự bảo đảm an toàn hoặc yêu cầu chủ phương tiện bảo đảm…


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cũng cho biết: Dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm phương tiện, trong đó quy định Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng của phương tiện; đồng thời bổ sung quy định về hợp đồng thuê phương tiện, các hình thức thuê phương tiện và trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện…


Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án Tăng cường công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa, với mục tiêu đến hết năm 2014 cơ bản hoàn thành việc quản lý đăng ký phương tiện thủy hiện có. Đề án tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đăng ký phương tiện thủy; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện theo hướng phân định rõ trách nhiệm của Cục ĐTNĐ và các Sở GTVT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Loại bỏ phương tiện cũ

Bộ đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí xác định niên hạn hợp lý đối với các loại tàu cao tốc, tàu cánh ngầm chở khách, công tác quản lý giữa hai đầu bến cảng, cũng như việc kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đây là những vấn đề quan trọng bởi hầu hết tàu cao tốc, tàu cánh ngầm tham gia kinh doanh vận tải khách tại nhiều địa phương hiện nay như Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… đã “già” và có tình trạng chủ doanh nghiệp vì ham lợi nhuận mà thường chở quá số người quy định, gây nguy hiểm đến hành khách và mất an toàn giao thông đường thủy. Nếu xảy ra tai nạn, hậu quả sẽ khôn lường.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (Bộ Công an), Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng: Xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”

Đây là một trong những biện pháp tuyên truyền hiệu quả, có vai trò định hướng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy người dân tham gia giao thông đường thủy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông ĐTNĐ và phòng chống đuối nước. Đến nay, cảnh sát đường thủy các địa phương đã duy trì hoạt động được hơn 400 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nhờ vậy, số vụ tai nạn ĐTNĐ tại nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu… đã giảm mạnh.

Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đỗ Trung Học: Mấu chốt quản lý là chính quyền địa phương

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm đò ngang hạn chế là do chính quyền địa phương chưa có trách nhiệm trong công tác quản lý. Nhiều nơi chỉ ban hành văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, mà không đề cập đến biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Do đó, nhiều chủ phương tiện trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm. Công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đường thủy của cơ quan chức năng nhiều nơi chưa làm quyết liệt. Do đó, mấu chốt để quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Tới đây, ngành Đăng kiểm sẽ tổ chức đưa đăng kiểm viên xuống tận địa bàn cơ sở để giải quyết vấn đề này.

Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN