Khuyến cáo biện pháp phòng chống hội chứng viêm da dày sừng

Hôm nay 28/6, Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo: Bộ Y tế, WHO và các bộ, ngành khác đang nỗ lực tiến hành các biện pháp can thiệp để điều trị bệnh nhân, dự phòng, điều tra và giám sát các trường hợp mắc mới của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan.

Theo kết luận ban đầu của các nhà khoa học: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mang đặc tính một loại nhiễm độc mạn tính, có thể dẫn đến viêm và thương tổn ở tay, chân và gan.

Tại Việt Nam, người mắc hội chứng này hiện chỉ được phát hiện tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, những trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 4 năm 2011, đến ngày 28 tháng 6 năm 2012 đã ghi nhận 216 trường hợp mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong, tại 5 xã (Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô) của huyện Ba Tơ.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai về khám và hội chẩn cho hơn 300 người dân mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long-TTXVN

 

Hiện có 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế thuộc tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận. Cho đến thời điểm hiện tại, hội chứng viên da dày sừng bàn tay, bàn chân chưa có bằng chứng do nguyên nhân nhiễm trùng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định “Song song với nghiên cứu đang tiến hành để tìm nguyên nhân, phải triển khai ngay các biện pháp can thiệp tổng thể để giảm tử vong, giảm mắc cũng như để cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân huyện Ba Tơ nói chung”.

Theo đó, với giải pháp giảm tử vong, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn điều trị và tập huấn cho bác sỹ, cử cán bộ chuyên môn từ các bệnh viện trung ương về trực tiếp hướng dẫn và điều trị cho bệnh nhân ở huyện Ba Tơ. Bộ Y tế cũng đã triển khai các biện pháp tại vùng có người mắc bệnh để dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Các biện pháp dự phòng bao gồm: Cung cấp gạo và hướng dẫn người dân cách bảo quản, cung cấp vitamin và các chất dinh dưỡng cho người dân huyện Ba Tơ, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt vector truyền bệnh cho tất cả các gia đình, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân và tăng cường truyền thông để vận động mọi người thực hiện vệ sinh cá nhân và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng bệnh.

Để ngăn chặn và giảm thiểu số người mắc và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân như sau:

Đối với người dân huyện Ba Tơ:

- Sử dụng gạo do chính quyền địa phương cung cấp
- Dùng vitamin và các chất dinh dưỡng bổ sung do cơ quan y tế địa phương cung cấp
- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân
- Theo dõi phát hiện sớm các triệu chứng bệnh để đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất

Đối với chính quyền huyện Ba Tơ

- Giám sát và thực hiện các biện pháp can thiệp hiện tại
- Tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng và gạo cho người dân huyện Ba Tơ
- Tuyên truyền vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ dưỡng chất, v à đến khám ngay tại các cơ sở y tế khi phát hiện bệnh.

TTXVN/Tin tức
Chưa rõ nguyên nhân gây “bệnh lạ” ở Ba Tơ
Chưa rõ nguyên nhân gây “bệnh lạ” ở Ba Tơ

Trong số 61 trường hợp mắc bệnh tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 16 - 49, có 1 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng, chính xác

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN