Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã cuốn theo những lo toan của cuộc sống, nặng chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm 8 tiếng sau đó đi làm thêm.
Họ cố làm nhiều tiền và chu cấp cho con để được bằng bạn bè; họ mải mê với chuyện kiếm tiền nên việc giáo dục con cái thì "khoán" cho nhà trường. Khi thấy con không làm bài tập, bị điểm kém thì ức chế la mắng, dọa nạt, từ đó vô tình tạo áp lực cho trẻ, đẩy con trẻ ra xa bố mẹ, thậm chí đến mức khó kiểm soát. Điều nguy hiểm, trong sự bi quan ấy dẫn đến rất nhiều chuyện thương tâm như trẻ tự kỷ, ít giao tiếp thậm chí có trẻ tìm đến cái chết.
Ngoài nghĩa vụ đóng các khoản phí cho con, cha mẹ nên quan tâm trò chuyện với con trẻ để tránh những sự cố đáng tiếc. Đặc biệt, nhiều phụ huynh không hiểu nhu cầu của trẻ mà cứ áp đặt những mong muốn chủ quan, tạo thành áp lực cho con trẻ là điều rất tai hại. Thay vì trách con mình học dở hơn bạn, cha mẹ nên dành thời gian để cùng ôn bài với con hơn là tiếp tục gửi con vào các lớp học thêm, luyện thi.
Lứa tuổi học sinh có rất nhiều biến chuyển về tâm sinh lý nên sự thiếu quan tâm của gia đình sẽ để lại một khoảng trống lớn trong quá trình phát triển nhân cách của các em. Sự thiếu hụt đó không thầy cô giáo nào có thể bù đắp được, nhà trường không thể ôm hết mọi việc. Rõ ràng đang có tâm lý “khoán” con cho nhà trường, đến khi có chuyện thì đổ lỗi cho giáo viên mà ít phụ huynh chịu tự đặt câu hỏi: “Mình đã làm tròn trách nhiệm với con, với nhà trường chưa”.
Tôi cũng đã từng cho con học bán trú, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là tất cả phụ huynh nên kết hợp tốt với nhà trường để giáo dục con cái của mình. Ở nhà cha mẹ giáo dục cho con đạo đức và lối sống; còn về phía nhà trường dạy kiến thức và nhân cách, các vị phụ huynh không nên phó mặc cho thầy cô, cần có sự gần gũi, quan tâm đến suy nghĩ của con trẻ.
Hiện nay, do nhu cầu của xã hội, việc chăm sóc, giáo dục trẻ em được giao cho các nhà trường với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy và có lòng yêu nghề. Tuy nhiên, giáo dục gia đình vẫn giữ một vị trí quan trọng. Những người làm cha mẹ cần được trang bị nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình như chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách khoa học, biết kỹ năng tư vấn, trò chuyện cùng con… Đồng thời cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục gia đình; đồng thời phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình giáo dục con trẻ.
Lê Thị Thúy Mong