Không đủ vắcxin thì dừng tiêm dịch vụ

Triển khai hiệu quả và đảm bảo an toàn tiêm chủng là một trong những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt quan tâm chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức sáng 5/2, với sự tham gia của hơn 600 điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành phố.

Quản lý chặt các điểm tiêm dịch vụ


Lo ngại về tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và nguy cơ dịch bệnh này có thể xâm nhập vào Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến  nhấn mạnh: “Tại Mỹ, một quốc gia đã tuyên bố loại trừ dịch sởi từ năm 2000 nhưng từ đầu năm đến nay, dịch sởi đã lan rộng tại 14 bang với hơn 100 ca mắc. Nguyên nhân do cộng đồng chủ quan, cho rằng sởi đã được loại trừ, ít khả năng mắc, không chủ động đi tiêm phòng. Do đó, chủ động tiêm phòng vắcxin là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh.Vấn đề hiện nay là làm thế nào để tiêm chủng trong nước đạt tỷ lệ cao, nhất là những vùng lõm, chủ yếu là vùng sâu, vùng khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, song song với việc triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella, ngành y tế các địa phương cần thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng sởi thường xuyên cho trẻ trong độ tuổi. Việc tổ chức các buổi tiêm chủng cũng cần linh hoạt hơn, không nên “gói gọn” vào 3 ngày tiêm chủng để tránh trường hợp bỏ sót những trẻ ốm, sốt vào thời điểm này.

Khám sàng lọc bệnh trước khi tiêm chủng cho trẻ tại Trạm y tế phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Về vấn đề cung ứng vắcxin dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Các địa phương cần quản lý chặt các điểm tiêm chủng dịch vụ (chủ yếu trực thuộc các trung tâm y tế dự phòng - PV). Chỉ đạo các điểm tiêm này phải đặt hàng nhà sản xuất từ trước, cam kết đảm bảo cung ứng đủ vắcxin đáp ứng nhu cầu người dân, không để có vắcxin thì tiêm, không có thì thôi. Nếu không đảm bảo được vắcxin dịch vụ thì dừng hoạt động để tập trung vào hoạt động tiêm chủng mở rộng, tránh tình trạng người dân chờ đợi tới khi có vắcxin mới tiêm cho trẻ”.

Tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng rất đau đáu với những vụ việc sai sót tiêm chủng xảy ra trong năm 2014  như tiêm nhầm nước cất, tiêm nhầm vắcxin… “Trong lịch sử chưa bao giờ  xảy ra những trường hợp tiêm nhầm như thế, đây là điều đau đớn cho ngành y tế. Chỉ vài trường hợp nhưng cũng có thể phá tan toàn bộ công sức của cả ngành, khiến người dân mất niềm tin vào tiêm chủng mở rộng và chuyển sang tiêm vắcxin dịch  vụ. Khi người dân không tin vào tiêm chủng thì rất nguy hiểm, dịch bệnh tất yếu sẽ xảy ra”, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn tiêm chủng, tuyệt đối không để những người chưa được tập  huấn ngồi vào bàn tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm tiêm nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Đối phó với nhiều dịch bệnh

Nhận định về tình hình dịch bệnh trong mùa đông - xuân, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc sởi và ho gà; có thể xảy ra một số ổ dịch nhỏ do bệnh sởi và ho gà vì đây là các bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết như mùa đông - xuân. Hiện nay, không ít trẻ mắc sởi trước khi bước vào tuổi tiêm chủng (sởi < 9 tháng tuổi, ho gà <2 tháng tuổi). Nhiều gia đình không đưa con đi tiêm vắcxin do không nắm được lịch tiêm chủng, chờ vắcxin dịch vụ do tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng.


Bên cạnh đó, nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn do tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, thường gia tăng trong những dịp đầu năm 2013, 2014. Ngay đầu năm 2015, một số tỉnh  gần với Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A(H7N9), riêng tỉnh Quảng Đông có 111 trường hợp mắc. Virút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm, không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Mặt khác, ở một số nước khác còn tiếp tục xuất hiện các chủng vi rút cúm mới  như  A(H5N8, H5N6, H5N2).

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện an toàn thực phẩm, không để lưu hành các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không có nguồn gốc…

“Ngành y tế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch. Triển khai tốt chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella đợt 3, tổ chức tiêm vét đối với trẻ chưa được tiêm đảm bảo đạt trên 95% quy mô xã phường. Phối hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện bệnh ở người và trên gia cầm. Hệ thống khám, chữa bệnh đảm bảo tuân thủ phân tuyến điều trị, cách ly bệnh nhân, phòng lây nhiễm chéo, điều trị hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong”, ông Trần Đắc Phu khẳng định


Phương Liên

Tiêm vắc xin cho công nhân tại ổ dịch Rubella ở Bình Dương
Tiêm vắc xin cho công nhân tại ổ dịch Rubella ở Bình Dương

Gần 1.600 công nhân đang làm việc trong tâm ổ dịch Rubella tại Công ty WK ở thị xã Bến Cát, Bình Dương đã được tiêm vắc xin phòng ngừa Rubella.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN