Xuân này, bà con chăn nuôi bò của tỉnh Cao Bằng sẽ đón tết vui hơn bởi thương hiệu thịt Bò H’Mông Cao Bằng được người dân cả nước biết đến. Từ đây, bà con có thể yên tâm phát triển chăn nuôi bò, mở hướng xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.
Bò H'Mông, Cao Bằng. Ảnh: Internet |
Thịt bò H’Mông Cao Bằng được Bảo hộ sở hữu nhãn hiệu tập thể
Từ lâu, đồng bào dân tộc H’Mông đã có truyền thống chăn nuôi bò. Họ quý trọng con bò, coi nó như một tài sản lớn của gia đình, bởi nó mang lại nhiều giá trị kinh tế cho con người. Đặc biệt, người H’Mông có giống bò u to khỏe, quý hiếm. Vì thế họ chăm sóc bò cẩn thận và có những bí quyết riêng để chăn nuôi, chăm sóc cho những chú bò quý của mình. Bò của người H’Mông thường được nuôi trong môi trường trong sạch, ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Thức ăn chính của chúng là những cỏ cây tự nhiên, uống nguồn nước từ khe suối rừng, không ăn thức ăn tăng trọng, hooc môn sinh trưởng nên thịt bò trong sạch nguyên chất.
Phát hiện những phẩm chất quý giá và tiềm năng kinh tế của thịt bò H’Mông, Dự án Superchian/Malica/IFAD và Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Cao Bằng (DBRP) đã hỗ trợ đồng bào H’Mông kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ bò cho bà con. Theo đó, để thịt bò H’Mông trở thành hàng hóa và có thương hiệu, cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Từ khâu chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đến giết mổ, kiểm dịch, đóng gói, bảo quản sản phẩm... Sau nhiều năm cố gắng xây dựng thương hiệu, tháng 12/2011 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thịt bò H’mông Cao Bằng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu nhãn hiệu tập thể chính thức.
Những ngày đầu khi mới xây dựng thương hiệu thịt bò H’Mông Cao Bằng, DBRP gặp nhiều khó khăn vì bà con vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng hàng còn ít nên không đủ bán trong các siêu thị tại Hà Nội, chỉ bán chủ yếu vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ tết nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, thịt bò H’Mông Cao Bằng đã có mặt ở nhiều cửa hàng, nhà hàng lớn tại Hà Nội như: hệ thống cơ sở nhà hàng Lan Chín, nhà hàng Thủy Nga (Đội Cấn), Tiểu Ngư Lầu (413 Âu Cơ), nhà hàng 88 (Phố Đào Tấn). Đánh giá về chất lượng sản phẩm, chị Nguyễn Thị Hồng ở Cầu Giấy (Hà Nội) - một khách hàng thường xuyên mua thịt bò H’Mông Cao Bằng cho biết: “Thịt bò H’Mông Cao Bằng ngon hơn nhiều so với loại thịt bò được bán trôi nổi trên thị trường. Thịt mềm, đỏ tươi, thơm ngọt, mùi vị đặc trưng, đảm bảo vệ sinh an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi rất yên tâm khi sử dụng...”.
Vừa qua, Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò H’Mông Cao Bằng đã ký được hợp đồng đưa thịt bò Mông vào tiêu thụ tại Siêu thị Bic C Thăng Long - một siêu thị lớn và có sức tiêu thụ mạnh bậc nhất tại Hà Nội. Từ đây, thịt bò H’mông Cao Bằng sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, mở ra một tương lai tốt đẹp cho nghề chăn nuôi của đồng bào vùng cao.
Tăng lợi ích, tăng thu nhập từ thương hiệu thịt bò H’Mông
Chăn nuôi bò ở Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên trước khi Dự án được triển khai, người chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Kỹ thuật chăn nuôi chưa cao nên bò thường bị chết rét, chết bệnh hoặc gầy yếu, làm giảm giá trị của bò. Nông dân chưa có tổ chức, liên kết nên người chăn nuôi thường bị tư thương ép giá, dễ bị tổn thương bởi thị trường giá lên xuống thất thường… Thấu hiểu những khó khăn của người chăn nuôi, Dự án đã liên kết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ tham gia vào các nhóm sở thích để hỗ trợ nhau phát triển chăn nuôi, tạo thành hàng hóa, cung cấp thịt bò chất lượng cao cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho các hộ dân và các đơn vị tham gia phân phối sản phẩm.
Anh Lầu Văn Chính ở Lũng Nái, xã Vần Dính, huyện Hà Quảng cho biết: Từ khi tham gia nhóm sở thích, tôi được dự án hỗ trợ tập huấn phương pháp chọn bò giống, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến cỏ voi, cỏ VA06, phương pháp ủ chua thức ăn thô xanh… Nhờ đó, đàn bò của tôi phát triển tốt, khỏe mạnh, bán được giá, mang lại thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh việc được hỗ trợ kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi, các hộ tham gia Hội (hiện có khoảng hơn 1500 hộ tham gia Hội) còn được bán bò cho lò mổ với giá cao hơn ngoài thị trường từ 3%-5%. Ngoài quyền lợi được hưởng, các nhóm chăn nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt với giống bò H’mông. Các lò mổ được hỗ trợ phải cam kết thu mua bò của các nhóm sở thích, giết mổ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, Dự án còn hỗ trợ xây dựng, nâng cấp lò mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia vào quá trình thu mua, giết mổ, phân phối thịt bò. Thịt bò H’mông là sản phẩm cao cấp nên giá bán lẻ cao hơn 30-45% so với giá thịt bò bán ngoài thị trường. Vì vậy, người dân tham gia vào Hội, chăn nuôi bò H’Mông bán được giá cao hơn, có thu nhập tăng thêm từ 10-20% giá trị tính trên 1kg thịt bò.
Anh Nông Minh Thắng - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án DBRP cho biết: Để khẳng định và giữ vững thương hiệu, còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là cần tạo ra đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Muốn có đủ số lượng, tỉnh cần nhanh chóng phát triển đàn bò thông qua các chính sách hỗ trợ người dân trồng cỏ, nhân rộng giống bò H’Mông. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh pha tạp các loại thịt bò chất lượng kém, đảm bảo không có tồn dư chất kháng sinh, không có dịch bệnh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò H’Mông mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Nếu thành công, chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu xa hơn và giàu tiềm năng hơn là thị trường nước ngoài.
Quốc Đạt