Từ năm 2010, tỉnh Hòa Bình đã triển khai Đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh giai đoạn 2010-2020 với mong muốn đáp ứng đủ nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm triển khai Đề án này lại không đáp ứng được kỳ vọng, số bác sỹ, dược sỹ đại học được cử đi đào tạo đạt thấp.
Hy vọng từ một đề án
Hòa Bình là tỉnh miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, những năm trước chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài chưa hấp dẫn được các bác sỹ, dược sỹ đại học về công tác tại tỉnh. Số bác sỹ, dược sỹ đại học về tỉnh công tác rất ít, thậm chí là người có hộ khẩu ở Hòa Bình sau khi tốt nghiệp đã không trở về địa phương công tác mà đến các tỉnh, thành phố khác làm việc.
Người bệnh tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế cao tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Trong khi đó, công tác xã hội hóa y tế còn nhiều hạn chế; nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân ngày càng cao. Mặc dù, tuyến y tế cơ sở thời gian qua đã được bổ sung một số bác sỹ, dược sỹ đại học (tốt nghiệp đại học chính quy hay nguồn cử tuyển) nhưng số lượng ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của các đơn vị y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế ngoài công lập của tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ đại học trở lên ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Để khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ, dược sỹ đại học ở tuyến y tế cơ sở, HĐND tỉnh Hòa Bình đã có Nghị quyết về việc thông qua “Đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010-2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 151). Mục tiêu của Đề án 151 là xây dựng hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình ổn định, phát triển và từng bước hiện đại hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân ngày càng cao, đặc biệt là đối với vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, cải thiện chất lượng sống, tăng tuổi thọ người dân...
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Quang Khánh, hiện nay tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành y tế là 2.028 người, trong đó biên chế tuyến huyện là 1.178. Đề án 151 với tổng kinh phí đào tạo trong 10 năm là hơn 27 tỷ đồng với mục tiêu số bác sỹ cần được đào tạo là 346 người, dược sỹ 130 người. Trên cơ sở đó, Đề án 151 đưa ra kế hoạch đào tạo liên thông (chuyên tu) mỗi năm cử 35 đến 40 người có bằng y sỹ trong biên chế đi học đại học liên thông lên bác sỹ; cử 9 đến 12 người có bằng dược sỹ trung cấp trở lên trong biên chế đi học đại học liên thông lên dược sỹ đại học.
Bên cạnh đó, đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng mỗi năm cử 15 đến 20 người thi trượt đại học khối B nhưng đạt từ điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để đi học bác sỹ chính quy và 6 đến 8 người thi trượt đại học khối A nhưng đạt từ điểm sàn để đi học dược sỹ chính quy. Người đi học sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% đào tạo và người đi học nộp 50%. Đồng thời những người hưởng kinh phí của Đề án sau khi tốt nghiệp phải công tác tại tuyến y tế cơ sở của tỉnh Hòa Bình là 15 năm.
Chỉ tiêu đạt thấp
Nhưng qua hơn 2 năm số bác sỹ được cử đi đào tạo mới có 89 người, đạt tỷ lệ 25,7%, còn thiếu 257 bác sỹ. Bên cạnh đó, số dược sỹ đại học đang được đào tạo cũng chỉ có 9 người, đạt tỷ lệ 6,9%, còn thiếu 121 người; kinh phí đào tạo đạt 57,4% (trong 2 năm). Vì vậy, so với mục tiêu, số lượng người được cử đi đào tạo là khá thấp so với Đề án đề ra.
Theo Sở Y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Đề án 151 của tỉnh thì chọn những người không thi đỗ đại học nhưng có điểm trên sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để gửi đi học. Nhưng trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học y, dược không tuyển những đối tượng này vào học chính thức tại các trường. Duy chỉ có Trường Đại học Y dược Thái Nguyên được phép tuyển đối tượng này vào học dự bị một năm. Do đó, trường cũng không phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho tỉnh...
Hơn nữa, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao. Đến năm 2012, quy chế tuyển sinh đã thay đổi, bỏ điểm c, khoản 1, điều 33 và thay bằng thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a sẽ được hiệu trưởng các trường đại học xem xét, quyết định cho vào học lớp dự bị 1 năm. Trong khi đó tỉnh Hòa Bình không có huyện nào nằm trong Nghị quyết 30a. Vì vậy, năm 2012, cả tỉnh không thể tuyển dụng được đối tượng hưởng theo Đề án 151.
Ngoài ra, trong tuyển sinh đào tạo liên thông tỉnh cũng không đủ số người đi học. Theo kế hoạch, mỗi năm cần đào tạo 40 y sỹ sau này trở thành bác sỹ nhưng cũng không đủ do học viên đi thi không đủ số lượng; y sỹ còn trong độ tuổi đi học ít; một số địa phương phản ánh y sỹ xã không đi học với lý do xã đã có bác sỹ rồi nếu đi học khi trở về sợ phải chuyển đi xã khác công tác. Bên cạnh đó, việc thi đầu vào tại các trường thuộc lĩnh vực y, dược tỷ lệ cạnh tranh cao nên dẫn đến việc con em trong tỉnh đỗ các trường này tỷ lệ thấp. Ngay cả với cán bộ, viên chức thi liên thông đỗ tỷ lệ đạt cũng khá thấp.
Mặt khác công tác triển khai thực hiện Đề án giữa các cấp, các ngành chức năng và công tác tuyên truyền đến nhân dân còn hạn chế; một số địa phương không nắm được tinh thần Đề án, nên có trường hợp địa phương nào biết thì động viên cán bộ đi học, còn địa phương nào không nắm được thì ngược lại. Chế độ chi trả các chi phí đào tạo theo Đề án là thấp, không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, do đó không tạo được động lực để khuyển khích cán bộ y tế tự học tập, nâng cao trình độ cũng như chưa tạo ra lực hút đối với học sinh THPT thi vào ngành y. Phần lớn học sinh thi đỗ thẳng vào các trường đại học y, dược không muốn tham gia vào Đề án. Bác sỹ sau khi tốt nghiệp chưa yên tâm với công tác do sự chênh lệch thu nhập và điều kiện làm việc giữa các tuyến cơ sở với các bệnh viện và các cơ sở y tế tư nhân lớn nơi có đông bệnh nhân, trang thiết bị hiện đại, có điều kiện nâng cao tay nghề...
Đề án 151 của tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ phá sản, nên có một số ý kiến của các nhà quản lý cho rằng với nguồn kinh phí 27 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình dành để thu hút các bác sỹ, dược sỹ đã tốt nghiệp về địa phương công tác sẽ đáp ứng ngay nguồn chất lượng có chất lượng.
Nhan Sinh