Khó khăn đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ- Bài cuối: Nỗi lo kinh phí

Để có thể hình thành những lứa cầu thủ chuyên nghiệp, ngoài việc phải xây dựng được một hệ thống đào tạo bài bản thì kinh phí đầu tư cũng là một vấn đề lớn. Không phải trung tâm đào tạo trẻ nào cũng có thể chi khoảng 300 triệu đồng/học viên/năm cho việc phát triển năng khiếu bóng đá.

 

Một buổi học tại Trung tâm đào tạo của PVF. Ảnh: pvf.com.vn

Thể Công, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, Bình Dương… từng là những trung tâm đào tạo trẻ có tiếng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, phần lớn ngân sách của các đội bóng đều đã dồn cho đội hình chuyên nghiệp, nên công tác đào tạo trẻ bị bỏ bê. Khi các doanh nghiệp tham gia bóng đá, thường muốn thu thành tích nhanh nhất, nên chỉ nhăm nhăm tìm mua cầu thủ nước ngoài hoặc lôi kéo những ngôi sao nội đã khẳng định được tên tuổi từ các đội bóng khác. Bình Dương là một ví dụ, họ từng rầm rộ gây dựng những tuyến trẻ (U11, U17, U21), nhưng số cầu thủ phát triển thành chuyên nghiệp thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện tại, đội hình Becamex Bình Dương ra sân tại V-League mùa giải này thường xuất hiện tới 7 “ông Tây”, trong đó có 4 là cầu thủ nhập tịch và 3 là ngoại binh.

 

Hụt hơi


Đây thực sự là quãng thời gian rất khó khăn đối với công tác đào tạo trẻ. Không nói đến những trung tâm nhỏ, được lập ra chỉ với mục đích giúp các học viên rèn luyện thể lực và có những kiến thức đầu tiên về môn bóng đá, các trung tâm quy mô được xây dựng với mục đích đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp cho tương lai cũng đang phải đối mặt với bài toán lớn: Kinh phí.


Theo ước tính của Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), kinh phí đào tạo mà họ đang bỏ ra là khoảng 300 triệu đồng/học viên/năm. Các lứa học viên của PVF trung bình sẽ được đào tạo trong 10 năm. Trong suốt 10 năm này, mọi chi phí về quần áo, trang thiết bị tập luyện chuyên môn, dụng cụ học tập văn hóa, ngoại ngữ, các nhu yếu phẩm và các chi phí khác cho học viên đều được PVF tài trợ 100%.


Tuy nhiên, những mô hình đang hoạt động hiệu quả như của PVF (bắt đầu từ năm 2009) là rất hiếm ở Việt Nam. Không phải trung tâm nào cũng được sự hậu thuẫn vững chắc và dài hơi về mặt tài chính để chờ đến ngày “hái quả”. Thậm chí, một số trung tâm còn bị “chết yểu”, mà Scavi - Rocheteau là trường hợp điển hình.


Ra đời tháng 9/2007 theo mô hình liên kết, góp vốn giữa ba bên: Liên đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh (15%), Công ty Scavi Việt Nam (thuộc Tập đoàn Corele International của Pháp, 55%) và cựu tuyển thủ Pháp Dominique Rocheteau (30%), Trung tâm bóng đá Scavi - Rocheteau từng được so sánh với Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Khóa đầu tiên của trung tâm này tuyển chọn được 26 học viên, sinh năm 1994 - 1995, tham gia khóa học kéo dài 5 năm, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 200.000 USD/năm (hơn 4 tỷ đồng). Tên tuổi của trung tâm càng nổi bật do ông Rocheteau mời được một số chuyên gia tới từ Trung tâm huấn luyện quốc gia Pháp (Clairefontaine) sang tham gia tuyển chọn và giảng dạy.


Tuy vậy, đến tháng 3/2012, Scavi - Rocheteau đã phải ngừng hoạt động mà nguyên nhân là do các nhà tài trợ… hết kinh phí. Niềm an ủi duy nhất của lò đào tạo này là họ đã cung cấp được một cầu thủ cho đội tuyển U19 Việt Nam. Số cầu thủ còn lại được chuyển giao cho LĐBĐ TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa biết tương lai của họ sẽ đi đến đâu.

 

Những mô hình cần nhân rộng


Trở lại với PVF, mô hình đào tạo của họ cho tới thời điểm này vẫn đang đi đúng hướng. Giữa tháng 3/2013, PVF đã mở đợt tuyển sinh khóa V và thu hút được rất nhiều sự quan tâm, nhờ việc mời được đội ngũ HLV giàu kinh nghiệm (Trần Minh Chiến, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Đang, Võ Hoàng Bửu…) và đặc biệt là nhờ những thành tích ban đầu của các lứa cầu thủ trẻ được đào tạo tại trung tâm (vô địch U10, U13 và U15 quốc gia năm 2012; U11 vô địch giải nhi đồng toàn quốc 2011, vô địch U13 toàn quốc năm 2010…). Tất nhiên, yếu tố cơ bản giúp PVF duy trì hoạt động hiệu quả nằm ở khoản đầu tư 80 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup.


Tương tự như vậy, đội U17 của HAGL - Arsenal JMG vừa gây tiếng vang lớn tại Sanix Cup 2013 (giải U17 quốc tế được tổ chức ở Nhật Bản), khi họ vượt qua các đại diện của Trung Quốc và Ôxtrâylia để cán đích ở vị trí thứ 6 tại giải. Thành công của HAGL - Arsenal JMG, ngoài phương thức đào tạo bài bản với sự trợ giúp của một CLB nổi tiếng thế giới về bóng đá trẻ, còn nhờ có nguồn đầu tư tài chính dài hơi của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Tập đoàn HAGL đã cam kết đầu tư khoảng 70 tỷ đồng vào thời điểm cho ra đời HAGL - Arsenal JMG và mới đây, bầu Đức tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho học viện này.


Mặc dù vậy, những mô hình như PVF hay HAGL - Arsenal JMG vẫn mang tính tự phát, do các doanh nghiệp có tâm huyết với bóng đá hình thành nên. Để có thể phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn đến 2030, nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo trẻ cần phải được làm một cách rốt ráo từ các địa phương, từ các CLB, theo định hướng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).


Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN