Phần thi ứng xử vẫn luôn là phần thi đặc sắc và được quan tâm nhiều nhất ở cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam”. Và có lẽ cũng vì lý do này mà BTC vòng bán kết phía Bắc của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19-21/5) đã quyết định chọn thi ứng xử là phần “thử sức” đầu tiên của 51 thí sinh lọt vào vòng bán kết phía Bắc cuộc thi.
Các thí sinh dự thi vòng bán kết phía Bắc trong trang phục dân tộc. |
Trong những câu hỏi ứng xử, câu được BGK chọn nhiều nhất là “Em hãy giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình”. Cũng bởi với con số 15 dân tộc góp mặt trong phần thi bán kết phía Bắc, trong đó có tới 7 dân tộc chỉ có duy nhất 1 đại diện, trong đó có những dân tộc rất ít người, thậm chí lần đầu tiên góp mặt trong cuộc thi như Xinh Mun, Giáy, Cơ Tu, Cơ Lao, Lào…, thì vòng bán kết phía Bắc thực sự là một “vườn hoa” của những sắc màu văn hoá dân tộc.
Thí sinh Lò Minh Phượng, dân tộc Thái. |
Thí sinh Hoàng Thị Chính (dân tộc Nùng), đến từ tỉnh Lạng Sơn, lại bắt đầu câu trả lời bằng câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, và đưa người nghe về với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của phố Lạng, với những món ăn đặc sắc, với ly rượu Mẫu Sơn…, và đặc biệt là về với những người dân Lạng Sơn rất chân tình và ấm tình người.Thí sinh Đinh Thị Dịu (dân tộc Thái), đến từ tỉnh Sơn La, lại đặc biệt “nhấn mạnh” về điệu múa Xoè nổi tiếng của dân tộc mình. Điệu múa Xoè luôn gắn bó với các hoạt động trong cuộc sống của người Thái, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ mừng lúa mới.
Và với Bùi Thu Hà (dân tộc Mường), đến từ bản Búng Giắt II, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà (Điện Biên), thì hình ảnh quê hương luôn gắn với những đoá hoa ban trắng tuyệt đẹp, với những phút giây thanh bình khi những bà, các mẹ thật ung dung ngồi trước hiên nhà, cùng chia nhau một hơi thuốc lào. Hiện đang là sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhưng trong lòng Bùi Thu Hà luôn nhớ về những làn điệu hát ru của dân tộc mình, về hình ảnh cô bác nông dân sáng sớm lại ra đồng.
Vòng bán kết phía Bắc cuộc thi đã kết thúc tối 20/5, 30 thí sinh xuất sắc nhất đã được chọn để tham dự vòng chung kết cuộc thi, sẽ diễn ra từ ngày 11-27/6/2013 tại Sunrise Hội An Beach Resort (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Đêm chung kết - Lễ đăng quang, cũng chính là đêm bế mạc của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V- 2013, sẽ diễn ra tại Nhà hát Hội An, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV2, VTV4, VTV5, INFO TV và Đài truyền hình Quảng Nam. |
Cô gái có cái tên rất “Quốc tế": A Lăng Thị Pari (dân tộc Cơ Tu), đến từ tỉnh Quảng Nam, người đã từng đạt danh hiệu “Thí sinh trình diễn trang phục tự chọn đẹp nhất” trong hội thi “Học sinh - Sinh viên thanh lịch” năm 2011, lại mang tới những thông tin rất thú vị về dân tộc mình, một dân tộc rất ít người của Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, trên dãy Trường Sơn huyền thoại. A Lăng Thị Pari đã giới thiệu với BGK về địa múa “Tân tung da dă” hay còn gọi là “Vũ điệu dâng trời” của dân tộc mình. “Tân tung” theo nghĩa của tiếng Cơ tu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa… Đó là khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người lên trên tầm cao mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa lớn lao ấy ta hiểu điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng. Nó chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, những lớp kế tiếp gìn giữ và bảo vệ quê hương núi rừng. Trong điệu múa “tân tung”, đàn ông mặc khố, áo chuồng vải dệt thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chặt cây khiên, cây giáo, cây nỏ, cây mác hay cay dụ, hoặc không thì nắm chặt tay người bạn bên cạnh cùng tung đôi tay lên cùng múa hú một cách tự nhiên, hùng dũng, mạnh mẽ thể hiện rõ sức mạnh hùng hồn của trai làng, không sợ đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hoại buôn làng, động viên bà con yêu cuộc sống yêu bản làng, núi rừng.
Rất nhiều thí sinh đã chọn giới thiệu bộ trang phục dân tộc của mình. Và đây cũng là điều những người có mặt tại phần thi ứng xử rất muốn được khám phá. Thí sinh Lù Thị Mai (dân tộc Thái) đã giới thiệu về bộ trang phục Thái giản dị nhưng tôn lên vẻ đẹp người con gái Thái với hàng cúc (gọi là “tém”), vốn thời xưa được làm bằng bạc, với áo chủ yếu là màu trắng, cổ áo khoét rộng, chân váy dài, màu đen nhánh, lấp lánh hàng dây xà tích. Và bộ trang phục Thái mà Lù Thị Mai khoác trên người cũng đã nhận được sự trầm trồ của rất nhiều khán giả.
Cô gái Xinh Mun duy nhất Lò Thị Minh lại rạng rỡ giới thiệu về bộ trang phục dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam: Chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người Thái nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng giống như của người Thái nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào… Tất cả tạo nên một bộ trang phục rất đặc sắc của riêng người Xinh Mun.