Sau khi có thông tin khẳng định một trẻ 3 tuổi ở Hà Nội tử vong vì bệnh tay chân miệng, nhiều bậc cha mẹ “đổ xô” đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi TƯ cho dù nhiều trẻ chỉ ốm nhẹ, thậm chí là bình thường.
Vậy khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc do bệnh tay chân miệng? TS Trần Minh Điển (ảnh), Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Đề nghị ông cho biết về tình hình bệnh nhi mắc tay chân miệng tại BV trong những ngày gần đây?
Ngày thứ 7, chủ nhật vừa rồi, số lượng bệnh nhi đến khám tại BV Nhi tăng đột biến, thông thường chỉ có 900 – 1.000 bệnh nhân, nhưng hai hôm đó có 1.500 cháu/ngày. Nguyên nhân do nhiều bậc phụ huynh lo lắng thái quá trước thông tin Hà Nội đã có một trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng. Nhiều trẻ chỉ có một vài nốt mẩn đỏ ở tay, dị ứng ở quanh mép, thậm chí có trường hợp bình thường nhưng do sống ở quận có cháu bé tử vong… cũng được đưa đến khám.
Hiện tại, Bệnh viện đang điều trị cho 9 ca tay chân miệng, trong đó có 3 ca nặng. Đặc biệt, có một trẻ cũng ở trong tình trạng bệnh nặng gần giống như trẻ đầu tiên tử vong tại Hà Nội do bệnh tay chân miệng. Ở bệnh nhi này, triệu chứng tim mạch tuy không quá nặng nhưng triệu chứng viêm não thì rất rõ, trẻ bị hôn mê, suy thở kèm theo. Bệnh nhi đang nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Sáng qua, 27/9, cháu bé đã được rút nội khí quản và có xu hướng tỉnh hơn. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần theo dõi chặt và không thể chủ quan.
Như vậy, từ đầu năm đến nay tại BV Nhi TƯ đã điều trị cho 286 ca tay chân miệng. Qua xét nghiệm cho thấy trong số 100 trẻ dương tính với EV thì có 17 trẻ nhiễm EV 71.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên lo lắng thái quá, vì tay chân miệng là một bệnh nhẹ, đa phần có thể tự khỏi. Nhưng thực tế, bệnh nhi đầu tiên tại Hà Nội lại tử vong rất nhanh do tình trạng bệnh ở thể tối cấp, rất nặng. Vậy các bậc cha mẹ nên xử trí thế nào cho đúng khi con mình nghi mắc bệnh chân tay miệng, thưa BS?
Các bậc cha mẹ cần hiểu rõ, đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Hầu hết các bệnh tay chân miệng đều ổn định và tự khỏi sau 3- 5 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, một số trẻ nhiễm EV 71, không đáp ứng miễn dịch tốt thì có thể gây nhiều biến chứng nặng, nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Khi nghi trẻ mắc bệnh, không nhất thiết phải đưa trẻ tới cơ sở y tế tuyến cao nhất, việc chẩn đoán các ca bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở. Bởi vì Bộ Y tế đã đưa ra Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng rất rõ ràng, các bác sĩ cần đọc kỹ hướng dẫn chẩn đoán là có thể chẩn đoán bệnh (dựa trên triệu chứng lâm sàng là chính). Ngoài ra, các cán bộ y tế còn có nhiệm vụ nữa là phát hiện dấu hiệu bệnh nặng để có hướng xử trí kịp thời như: Bệnh nhân sốt cao liên tục 48- 72 giờ mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt, hay có cơn giật mình (2 cơn giật mình, rùng mình trong 30 phút), nôn ói liên tục, kích thích, tri giác bất ổn, khó ngủ, quấy khóc vô cớ… Đây cũng chính là các triệu chứng mà các bà mẹ cũng cần ghi nhớ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Triệu chứng trẻ bị sốt phát ban rất dễ nhầm lẫn với sốt do tay chân miệng. Làm thế nào để phân biệt được triệu chứng sốt này, thưa BS?
Sốt virút đôi khi cũng cao 38 - 39,5 độ. Sốt liên tục kéo dài 24-72 giờ nhưng trẻ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chơi được. Quan trọng nhất là trẻ không có dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, miệng, hậu môn… Trẻ thường hết sốt trong vòng 24- 48 giờ, sau đó thì có nổi ban.
Còn sốt do tay chân miệng thường là sốt cao liên tục, có khi từ 38- 410C. Trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Xuất hiện ban ngay khi trẻ sốt và ở các vị trí lòng bàn tay, bàn chân và trong miệng. Tim trẻ đập nhanh. Trẻ sốt cao nhưng tay chân lạnh… Thực tế, cũng có những ca tay chân miệng không có triệu chứng điển hình như trên, ví như một số trẻ không phát ban hoặc dấu hiệu phát ban không rõ ràng, trẻ chỉ loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp…
Các bậc cha mẹ cần làm gì để phòng tránh bệnh cho con em mình, thưa BS?
Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng: Sốt cao ≥ 390C; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê. (Theo Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng, Bộ Y tế) |
Bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu; chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân nhiễm virút. Do đó, nguyên tắc phòng chống dịch quan trọng là: Phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và điều trị kịp thời. Cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng. Tránh tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân (như ôm, hôn...). Nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Xin cảm ơn BS!Phương Liên (thực hiện)