Dịch bệnh chân tay miệng vẫn diễn biến phức tạp

Ngày 23/6, theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, khoa truyền nhiễm của bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị 7 ca nhiễm bệnh chân tay miệng, đều là trẻ em có độ tuổi từ 1 đến 5.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Xuân, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện cho biết, khoa bắt đầu tiếp nhận bệnh nhi bị hội chứng chân tay miệng từ ngày 15/6. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ (khoảng 37,5 – 38 0 C), biếng ăn, xuất hiện những nốt phỏng nhỏ trên gan bàn chân, gan bàn tay và niêm mạc miệng. Sau quá trình điều trị từ 7 – 10 ngày với thuốc kháng sinh chống bội nhiễm, hạ sốt và uống bổ sung vitamin, các bệnh nhi đã ổn định, không bị biến chứng, hiện một bệnh nhân hoàn toàn ổn định và đã xuất viện.

Để hạn chế các trường hợp mắc hội chứng chân tay miệng, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra khuyến cáo cho người dân như: C ác bậc cha mẹ có con nhỏ cần vệ sinh răng miệng, tay, chân trước khi ăn, thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Đối với những trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh, các bậc cha mẹ cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Vì bệnh chân tay miệng là bệnh rất dễ lây, thường lây qua đường hô hấp, thức ăn đồ uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm mầm bệnh nên trẻ bị bệnh cần được cách ly, vệ sinh sạch sẽ.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, hiện nay, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh này đang bùng phát, số trường hợp mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng. Đến ngày 23/6 trên địa bàn tỉnh đã có 1.574 ca mắc bệnh tay chân miệng, 10 trường hợp tử vong. Tất cả 11 huyện thị, 154/171 xã, phường của tỉnh Đồng Nai có bệnh, trong đó thành phố Biên Hòa có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất với 634 trường hợp, 5 trẻ tử vong. Số trường hợp mắc bệnh và chết do sốt xuất huyết cũng gia tăng, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.200 trường hợp mắc bệnh và 3 ca tử vong.

Ảnh:Internet



Nguyên nhân của việc bùng phát bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết theo đánh giá của Sở y tế là do tình hình thời tiết, điều kiện khí hậu lúc giao mùa, mưa ẩm; công tác phòng ngừa dịch bệnh tại các nhà trẻ, nhóm gia đình, công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi tại các địa bàn dân cư chưa triệt để, hiệu quả chưa cao.

Ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho rằng, để khống chế bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, chính quyền tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo một cách quyết liệt các sở, ban ngành, các tổ chức xã hội tham gia phòng chống dịch bệnh. Nếu không có sự tham gia của toàn xã hội thì không thể khống chế được bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, mọi người, mọi nhà phải có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh tật bởi theo thống kê của có đến 95% trẻ bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai không đi học ở bất kỳ trường mẫu giáo, mầm non nào.


Để ngăn chặn và dập tắt bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, khống chế dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ thị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chỉ thị này yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thị xây dựng kế hoạch phòng chống nhằm chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của dịch bệnh. UBND tỉnh yêu cầu Sở y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị y tế và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho công tác điều trị bệnh.

Theo ông Ngưỡng, để đối phó với bệnh tay chân miệng, ngành y tế đã đã cấp hơn 6 tấn thuốc Cloramin B cho các huyện, thị để tẩy độc khử trùng tại các nhà trẻ, mầm non, trường mẫu giáo và nhóm trẻ gia đình nuôi giữ từ 3 cháu trở lên. Sở y tế đang có chủ trương sẽ cấp thuốc Cloramin B đến tận các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi. Với bệnh sốt xuất huyết, đã tổ chức vòng 1 chiến dịch diệt loăng quăng ở 29 xã, phường trọng điểm./.

TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN