Khi khách hàng kiện chủ đầu tư

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng mua căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã gửi đơn kiện chủ đầu tư ra tòa hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM nhờ can thiệp vì giao nhà chậm so với hợp đồng.


Ngày 20/8 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Bình Tân (TP.HCM) đã tuyên buộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Chánh (BCCI) phải hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên đơn và là khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Nhất Lan 3 do BCCI làm chủ đầu tư, gần 1,1 tỷ đồng tiền mua nhà cộng với lãi suất phạt. Trước đó, bà Hồng ký hợp đồng mua căn hộ số B2.108 trị giá hơn 1,2 tỉ đồng và đã đóng tiền cho BCCI hơn 877 triệu đồng, (tương đương 70% giá trị căn hộ). Mặc dù BCCI cam kết giao nhà cho bà Hồng vào ngày 31/12/2011, nhưng đến nay công ty vẫn chưa bàn giao nhà và cũng không chấp nhận việc hoàn trả tiền cho bà Hồng theo cam kết.


Trước đó, vào giữa tháng 6/2013, Tòa án nhân dân quận 3 (TP.HCM) cũng đã tuyên buộc Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (chủ căn hộ A1507, chung cư Quốc Cường Gia Lai, quận 7) số tiền 258 triệu đồng vì giao chậm nhà. Theo đơn kiện của bà Ngọc, ngày 1/3/2010, bà ký hợp đồng góp vốn mua căn hộ chung cư của Quốc Cường Gia Lai với thỏa thuận thời gian bàn giao căn hộ là tháng 7/2009. Tuy nhiên, đến tháng 4/2011 bà mới nhận được căn hộ nên yêu cầu phía Công ty Quốc Cường phải bồi thường số tiền chậm giao nhà trong thời gian 22 tháng với mức lãi suất 1,5% như thỏa thuận trong hợp đồng.


Mới đây, gần 30 khách hàng mua căn hộ tại dự án The Harmona do Công ty cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư (tọa lạc tại đường Trương Công Định, Tân Bình) cũng đã kéo đến công ty để yêu cầu giải quyết việc chậm bàn giao; đồng thời làm rõ phương án phạt hợp đồng do chậm bàn giao căn hộ. Theo một khách hàng, ông đã mua căn hộ tại đây vào năm 2009 và theo hợp đồng với chủ đầu tư họ sẽ bàn giao nhà vào tháng 12/2011. Tuy nhiên đến nay, ông vẫn chưa nhận được căn hộ mà chỉ nhận được thư ngỏ của chủ đầu tư về việc hứa sẽ bàn giao nhà trong năm nay.


“Với những trường hợp khách hàng “đòi” lại tiền đã góp mua căn hộ, tôi khuyên không nên lấy tiền lại. Bởi, khi lấy tiền lại thì công ty sẽ lấy căn hộ đó lại bán cho người khác, mà tiền thiếu mình thì chưa chắc họ đã trả. Trong khi nếu không trả tiền thì mình vẫn còn căn nhà đó và khi dự án có thanh lý thì vẫn còn”. Bà Phan Thị Việt Thu

Có một thực tế, hiện nay, rất nhiều khách hàng mua căn hộ bị chậm giao đang đứng trước hai lối rẽ: tiếp tục chờ chủ đầu tư hoàn thiện nhà hay kiện ra tòa. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng: “Nhiều người dân nên liên kết thành một nhóm, nhóm này có thể cùng thuê luật sư hoặc nhà quản lý để bảo vệ, đòi trả lại quyền lợi, bảo vệ tài sản của họ đã đầu tư”.


Còn theo luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, người dân mua nhà đã có hợp đồng, mà đơn vị bán nhà vi phạm hợp đồng thì việc đi kiện chắc chắn sẽ thắng. “Tuy nhiên, việc thua hay thắng còn tính đến việc thi hành án được hay không. Bởi khi thi hành án, chủ đầu tư không có tài sản thì lấy gì trả?!. Thường các công ty địa ốc xây xong móng thì mới huy động vốn, nhưng để làm được móng thì công ty phải thế chấp để vay ngân hàng. Nếu như nhà đầu tư không thể trả nợ ngân hàng thì ngân hàng sẽ phát mãi, lúc đó những người có hợp đồng mua nhà phải “xếp hàng” để chờ chia lại tài sản đó. Rốt cục người thua thiệt vẫn là người đi mua nhà đã đóng tiền rồi. Mà đi kiện thì lại phải tốn thêm khoản tiền nữa cho luật sư”, bà Thu cho biết.


Theo bà Thu, cách hợp lý nhất hiện nay để giải quyết vấn đề này là cần thiện chí của hai bên, bởi các công ty cũng không muốn giao nhà chậm. “Doanh nghiệp thiếu thì yêu cầu khách hàng đóng tiếp tiền. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được đóng vào ngân hàng để quản lý và khi công ty làm tới đâu thì ngân hàng sẽ giải ngân đến đấy, đảm bảo hai bên cùng nhân nhượng và hợp tác với nhau”.


Trong khi đó, theo ông Đực, khách hàng nên thuê một luật sư hoặc nhà quản lý để làm trung gian, gặp gỡ chủ đầu tư để bàn việc dự án này đã thực hiện như thế nào, đã bán bao nhiêu, thu tiền được bao nhiêu và số tiền dự trù để hoàn tất dự án... từ đó đưa đến quyết định: Nếu số tiền đóng không nhiều, người mua không nhiều và số tiền còn lại để đầu tư quá nhiều thì buộc lòng phải ngưng dự án và người dân phải ép chủ đầu tư phải bán dự án này để trả tiền lại cho người dân. Còn nếu số tiền cần thiết để hoàn thành dự án không nhiều và người dân tính ra có thể đóng đủ phần còn lại thì người dân và chủ đầu tư hợp tác với nhau để cùng đóng góp số tiền còn lại để hoàn thiện dần. Theo đó, cái nào cần thiết thì hoàn thiện, cái nào chưa cần thiết thì chưa hoàn thiện. Chẳng hạn công viên, sân vườn thì cứ để đó, còn căn hộ nào người dân đã mua thì tập trung hoàn thiện, căn nào chưa có người mua thì ngưng thi công.


M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN