Italy cảnh báo nguy cơ khủng bố sau vụ tấn công Tunisia

Bộ Nội vụ Italy ngày 20/3 ra thông cáo đặc biệt gửi tới tất cả các cơ quan cảnh sát Italy để cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố trên lãnh thổ quốc gia này, đồng thời yêu cầu các lực lượng an ninh phải "đặc biệt cảnh giác" nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho các địa điểm nhạy cảm, như các tòa đại sứ, cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ sở văn hóa...

Tàu Costa Fascinosa, con tàu từng chở các hành khách trong số những nạn nhân vụ tấn công Bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, cập cảng Palma de Mallorca, Tây Ban Nha ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Roma, thông cáo trên được đưa ra sau vụ việc các tay súng Hồi giáo ngày 18/3 tấn công Quốc hội Tunisia và xả súng vào khách du lịch ở bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có 4 công dân Italy, và hơn 50 người bị thương.

Trong một phiên họp của Chính phủ Italy, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano nhận định không thể loại trừ khả năng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ thực hiện những vụ tấn công tương tự tại quốc gia Nam Âu này. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Giuseppe de Giorgi, cho rằng những nguy cơ lớn có thể đến từ dòng người nhập cư trái phép qua biển Địa Trung Hải khi những kẻ khủng bố có thể tạo ra các vụ đắm tàu giả để "gài bẫy" lực lượng Hải quân bằng những khối thuốc nổ gắn trên đó.

Italy đang lên kế hoạch triển khai bổ sung 500 binh sĩ để hỗ trợ cho 4.000 binh sĩ được điều động trước đó nhằm đảm bảo an ninh cho hàng loạt mục tiêu có khả năng bị tấn công cao, như sứ quán các nước trong lực lượng liên minh chống "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, Tòa thánh Vatican...

Cũng sẽ có tới 5 nghìn binh lính được huy động để bảo vệ Triển lãm thế giới EXPO 2015 tổ chức ở thành phố Milan từ tháng 5 đến tháng 11 tới, bên cạnh việc nhà chức trách Italy đang lên kế hoạch đảm bảo an ninh cho sự kiện "Năm thánh" diễn ra từ tháng 12/2015 đến 11/2016. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Italy cũng sẽ điều động 4 tàu chiến và một số máy bay không người lái Predator tuần tiễu trên biển Địa Trung Hải, trên hải phận quốc tế, ngoài bờ biển Bắc Phi.

Việc điều động này nằm trong chiến dịch "Mare Sicuro" (Biển an toàn), nhằm đối phó với nguy cơ IS tấn công từ đường biển vào lãnh thổ Italy, đồng thời bảo đảm an toàn hàng hải thương mại quốc tế trên biển Địa Trung Hải.

Cảnh báo khủng bố ở Italy đã lên mức cao kể từ sau cuộc tấn công đẫm máu của các đối tượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) hồi tháng 1 năm nay và sau nhiều lần IS lên tiếng đe dọa sẽ tấn công vào quốc gia này. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ Italy, cho đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có thể xảy ra một cuộc tấn công khủng bố tại đây.

Trong một diễn biến khác, các quan chức an ninh Yemen cho biết ngày 20/3, nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại quốc gia này đã chiếm thành phố miền al-Houta, thủ phủ tỉnh miền Nam Lahj sau khi các lực lượng an ninh đầu hàng.

Vụ việc xảy ra khi các tay súng al-Qaeda đã đồng loạt tiến hành các vụ tấn công vào trụ sở chính quyền và cơ quan tình báo tại thành phố al-Houta, khiến 29 người thiệt mạng, trong đó có 27 binh sĩ, cùng nhiều toà nhà bị phá huỷ. Những kẻ tấn công còn bắt cóc một số quan chức, thiết lập một số chốt kiểm soát xung quanh các lối vào chính của al-Houta, sử dụng nhiều xe tải và chăng cờ đen chạy khắp thành phố này. Hiện các doanh trại chính của lực lượng an ninh, văn phòng thị trưởng, trụ sở tình báo và các nhà tù có giam giữ các phần tử khủng bố của mạng lưới al-Qaeda bị phiến quân chiếm giữ.

Theo các quan chức giấu tên, lực lượng an ninh trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã không kháng cự và đầu hàng phiến quân, trong khi những người trụ lại tại văn phòng thị trưởng đã bị chúng hành quyết.

Yemen rơi vào hỗn loạn sau khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Lực lượng này tuyên bố thành lập "Hội đồng tổng thống" sau khi Tổng thống Mansour Hadi, Thủ tướng Khaled Bahah và toàn bộ nội các từ chức. Các nước vùng Vịnh đã lên án động thái này của Houthi, coi đây là một cuộc đảo chính.

Ngày 24/2 vừa qua, sau khi thoát khỏi sự quản thúc của lực lượng Houthi ở thủ đô Sanaa, Tổng thống Hadi đã tới thành phố Aden và rút lại tuyên bố từ chức, đồng thời gửi thư tới Quốc hội kêu gọi các nghị sĩ hợp tác đưa "tình hình an ninh và kinh tế đất nước trở lại bình thường". Những diễn biến trên đặt Yemen trước nguy cơ rơi vào nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở nước này.


TTXVN/Tin tức
Chưa thể khẳng định IS đứng sau vụ khủng bố tại Yemen
Chưa thể khẳng định IS đứng sau vụ khủng bố tại Yemen

Nhà Trắng lên án vụ đánh bom kép nhằm vào các đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite tại Yemen, song cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định vụ việc do nhóm IS tiến hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN